Rủi ro khi Trung Quốc bất ngờ hạ lãi suất

Ngày 28/2, Trung Quốc tiếp tục giảm 0,25% lãi suất huy động và cho vay cơ bản. Động thái này diễn ra chưa đầy 4 tháng sau lần hạ trước và sớm hơn rất nhiều so với thời điểm giới phân tích khác dự đoán.

Việc này đã khơi lên lo ngại về hàng loạt vấn đề đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhì thế giới. Đó là thị trường nhà đất hạ nhiệt, dòng vốn rút ra khiến các nhà băng khó cho vay và mối lo giá cả đi xuống. Những việc này đang đẩy chi phí đi vay của doanh nghiệp lên.

“Động thái này rất bất thường, do nó diễn ra chỉ một tuần sau Tết Nguyên đán. Chính phủ đang muốn tăng niềm tin doanh nghiệp và thông báo chính thức rằng Trung Quốc đang bước vào thời kỳ nới lỏng”, Li Huiyong – nhà kinh tế học tại Công ty chứng khoán Shenyin & Wanguo nhận xét.

china-8166-1425284415.jpg

Trung Quốc đã 2 lần giảm lãi suất cơ bản trong 4 tháng qua. Ảnh: QZ

Tăng trưởng của Trung Quốc đã giảm dần những năm gần đây, xuống 7,4% năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất hơn 20 năm qua. Rất nhiều nhà kinh tế học đã dự đoán Chính phủ sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay xuống quanh 7%.

Chính phủ được cho là sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua nhiều lần cắt giảm lãi suất và tăng chi chi cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều quan chức và nhà kinh tế đã cảnh báo hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nới lỏng quá nhiều sẽ khiến khối nợ của các công ty và chính quyền địa phương tăng cao, làm ảnh hưởng đến kế hoạch giảm đòn bẩy tài chính, giảm dư thừa công suất và khắc phục tình trạng kém hiệu quả tại doanh nghiệp nhà nước.

Năm ngoái, PBOC tập trung nới lỏng có mục tiêu thay vì trên diện rộng. Nhưng họ đang ngày càng chịu áp lực từ giới lãnh đạo rằng phải giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng. Đợt giảm lãi suất tháng 11 năm ngoái là động thái đầu tiên trong 2 năm. Tiếp đó là quyết định hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng tháng trước.

Hiện lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm tại Trung Quốc là 5,35%, còn lãi suất huy động kỳ hạn tương ứng là 2,5%. Trong thông báo đi kèm, PBOC cho biết nguy cơ giảm phát đã khiến họ ra quyết định trên. Giá hàng hóa thế giới giảm cũng giúp họ rộng đường kích thích tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất.

Như vậy, Trung Quốc đã gia nhập eurozone và Nhật Bản trong chiến dịch nới lỏng tiền tệ. Còn ngược lại, Mỹ chuẩn bị tăng lãi suất do kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu người tiêu dùng và các công ty Trung Quốc có tận dụng được cơ hội từ đợt giảm lãi suất này hay không. Các doanh nghiệp Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu xuống dốc khi phải đối mặt với nhu cầu yếu từ cả trong nước và nước ngoài, cũng như tình trạng dư thừa công suất trong toàn ngành.

Theo số liệu Chính phủ nước này công bố hôm qua, chỉ số sản xuất (PMI) của Trung Quốc đã co lại tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 2. “Tôi sắp phải trả rất nhiều khoản đến hạn và chắc chắn chẳng còn tâm trạng nào để mở rộng kinh doanh nữa. Lãi suất giảm hầu như không có ý nghĩa với tôi trong lúc này”, Du Hanbing – một giám đốc doanh nghiệp tại Thâm Quyến cho biết.

Một nhóm khác cũng đang tìm nguồn vay lúc này là các hãng bất động sản. Thị trường nhà đất Trung Quốc – vốn đóng góp 25% GDP – đã xuống dốc hơn 2 năm nay. “Bên hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm lãi suất sẽ là các hãng bất động sản và các tổ chức nặng nợ, như chính quyền địa phương chẳng hạn”, Peng Junming – cựu quan chức PBOC nhận xét.

Thị trường bất động sản gặp rắc rối một phần do các hãng nợ nần quá nhiều, khiến việc vay thêm để hoàn thiện dự án gặp khó khăn. Tại Guangrao (Quảng Đông, Trung Quốc), nhiều dự án nhà đã bị bỏ hoang sau khi ngân hàng ngừng cho vay. “Chúng tôi đang cố nhờ Chính phủ can thiệp để lấy lại tiền”, Guo Xiang – một chủ doanh nghiệp tạo Guangrao đã trả trước cho một căn hộ trong dự án cho biết.

Hà Thu (theo Wall Street Journal)

Trả lời

0913.756.339