Chúc mừng và biểu dương 63 doanh nghiệp được công nhận là Thương hiệu Quốc gia, đặc biệt có 48 doanh nghiệp tiếp tục giữ được danh hiệu từ những năm trước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh đây là điều đáng tự hào. Đại diện Chính phủ cho rằng trong những năm qua, kinh tế Việt Nam cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng các thương hiệu vẫn duy trì, xây dựng và phát triển thị trường. Điều này chứng tỏ năng lực và bản lĩnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng Thương hiệu Quốc gia cho thấy năng lực của đất nước. Ảnh: Quý Đoàn |
“Chúng ta đang tham gia thế giới phẳng, Thương hiệu Quốc gia chứng tỏ năng lực cạnh tranh cạnh tranh của mỗi nước. Nếu không có các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu thế giới thì không thể mở rộng thị trường khi xu hướng hội nhập rộng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Để chương trình được phát triển hơn nữa, Phó thủ tướng yêu cầu đơn vị tổ chức là Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến từ doanh nghiệp để xây dựng chương trình hiệu quả hơn. Đối với doanh nghiệp, Phó thủ tướng mong muốn chủ động, sáng tạo và nỗ lực hơn nữa trong sự phát triển kinh doanh của mình.
Theo Phó thủ tướng, mỗi thương hiệu cần kết tinh trong sản phẩm, bởi đó là đại diện của một dân tộc khi tham gia hội nhập nên các doanh nghiệp phải nâng niu, trân trọng. Về phần mình, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong đó tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thông thoáng hơn để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất.
* Danh sách 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2014
Được lựa chọn từ 1.500 hồ sơ, 63 thương hiệu góp mặt tại lễ vinh danh là đại diện của 11 lĩnh vực, ngành hàng sản xuất và dịch vụ như: cơ khí, máy móc, thiết bị; dệt may, da giầy; điện, điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông; nông lâm thủy sản; tài chính ngân hàng; thực phẩm đồ uống; thương mại dịch vụ; vận tải du lịch; vật tư nông nghiệp và xây dựng, bất động sản… Trong số này có nhiều thương hiệu nổi tiếng như Vinamilk, Pinaco, Vinacafé, Hoa Sen, DOJI, Điện quang…
Đại diện các doanh nghiệp nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia. Ảnh: Quý Đoàn |
Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia cho biết, việc lựa chọn doanh nghiệp không chỉ dựa trên tốc độ phát triển, quy mô doanh nghiệp mà còn dựa vào nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ xã hội, thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ với người lao động, trách nhiệm đối với cộng đồng… của mỗi doanh nghiệp.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cùng với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường trong khuôn khổ của các Hiệp định Thương mại tự do với khu vực và khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp và Thương hiệu Quốc gia ngày càng quan trọng. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt với sản phẩm hàng hóa ngoại nhập. Mặt khác, khi thị trường thế giới đã mở rộng nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam không xây dựng được thương hiệu thì cũng không thể tiến ra thị trường thế giới.
Với 3 lần liên tiếp nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) – ông Nguyễn Quốc Khánh khẳng định đây là vinh dự lớn, ghi nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua: “Doanh nghiệp nào cũng cảm thấy tự hào khi được đại diện cho một quốc gia. Không chỉ Vinamilk mà các doanh nghiệp khác cũng sẽ có động lực lớn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới cộng đồng”, vị này chia sẻ.
Giám đốc điều hành Vinamilk – Nguyễn Quốc Khánh – nhận giải thưởng. Ảnh: Quý Đoàn. |
Cũng theo ông Khánh, sau 2 lần đạt danh hiệu trước, doanh nghiệp đã có nhiều bước tiến, trong đó có việc thành lập liên doanh tại Campuchia, châu Âu và đang tiến hành mua lại một công ty tại Mỹ… “Chúng tôi sẽ tiếp tục mục tiêu kinh doanh các sản phẩm chủ chốt, không chỉ trong nước mà còn ở thị trường nước ngoài, để khi nhắc đến Vinamilk, người tiêu dùng quốc tế đều biết đó là thương hiệu của Việt Nam”, vị này khẳng định.
Trong khi đó, với 4 lần liên tiếp là thương hiệu cà phê duy nhất nhận danh hiệu, Tổng giám đốc Vinacafé – ông Nguyễn Tân Kỷ – cho biết với tư cách một Thương hiệu Quốc gia, doanh nghiệp luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng cà phê, đạt chuẩn quốc tế song vẫn mang bản sắc, giá trị văn hoá Việt. “Như vậy, sản phẩm sẽ có khả năng cạnh tranh không chỉ với các thương hiệu trong nước, mà còn cả các hãng cà phê nổi tiếng khác trên thế giới”, ông Kỷ nói.
Có 3 dòng sản phẩm là tôn, ống kẽm và ống nhựa cùng được công nhận là Thương hiệu Quốc gia năm nay, lãnh đạo Tập đoàn Hoa Sen khẳng định đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để doanh nghiệp tiếp tục theo đuổi mục tiêu tạo ra giá trị cao nhất cho người tiêu dùng và xã hội. Trước đó, năm 2012, Tập đoàn Hoa Sen đã đạt Thương hiệu Quốc gia cho dòng sản phẩm Tôn Hoa Sen.
Trao đổi thêm về giải thường, đại diện Ban tổ chức cho biết việc lựa chọn 63 thương hiệu năm nay (nhiều hơn 9 đơn vị so với năm 2012) được thông qua qua trình đấu thầu quốc tế, 5 bước đánh giá, kiểm tra chặt chẽ, dưới các tiêu chí chất lượng, đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong. Các doanh nghiệp được công nhận đều có tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận và doanh thu, giữ thị phần nội địa và mở rộng xuất khẩu.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2003, và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành triển khai, nhằm xây dựng hình ảnh về Việt Nam. Diễn ra định kỳ 2 năm một lần, đây là chương trình duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm (hàng hóa và dịch vụ), gắn với 3 giá trị đổi mới, sáng tạo, năng lực tiên phong. Đây cũng là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn nhằm xây dựng, quảng bá tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước. |
Thành Tâm