Phật thủ ‘Thịnh-Suy-Bĩ-Thái’ giá cả chục triệu đồng

Gần hai tháng nữa mới đến Tết Ất Mùi, nhưng tại xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội), nhiều vườn phật thủ đã được thương lái đến ngã giá thu mua. Nhiều quả đẹp được đánh giá có thể bán hàng triệu đồng.

Phật thủ là loại quả quen thuộc trên bàn thờ của người Việt mỗi dịp ngày rằm, ngày lễ, Tết. Theo các chủ vườn, hình dáng quả phật thủ là do “trời” chứ chưa ai có thể tác động để tạo được quả theo ý muốn. Một quả đẹp là phải to, nhiều tầng, có nhiều “ngón tay” dài, vươn rộng, hoặc chĩa lên đầy đủ các yếu tố “Thịnh-Suy-Bĩ-Thái”. Đặc biệt, số ngón vòng ngoài của quả phật thủ phải là số lẻ để khi đếm ngón tay cuối cùng rơi vào chữ Thịnh, ý nghĩa năm mới sẽ phát tài, sung túc.

phat-thu-JPG-1433-1420079424.jpg

Trái phật thủ đẹp có thể bán với giá 13 triệu đồng.

Tuy nhiên, những trái đẹp, độc, lạ này thường khan hiếm nên giá có thể lên tới hơn chục triệu đồng. Sát Tết năm ngoái, có chủ vườn đã bán được với giá 13 triệu đồng một trái.

Năm nay, theo đánh giá của nhà vườn, giá mua xô tại vườn khoảng 60.000- 90.000 đồng một quả, nhưng với những quả có hình dáng đẹp, đặc biệt khi bán ngày Tết có thể lên tới 3-4 triệu đồng.

Mảnh vườn trồng phật thủ khoảng một mẫu được người dân Đắc Sở bán với giá từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, tính trung bình mỗi sào phật thủ có giá gần 100 triệu đồng. Tết năm nay nhiều nhà vườn có thể thu lãi về từ 600- 800 triệu đồng.

Anh Nguyễn Tuấn Trường, một chủ vườn cho biết thời điểm này hầu hết các vườn phật thủ đã được bán cho khách. Chủ vườn có trách nhiệm trông coi cho khách đến tận ngày cắt bán. Những vườn phật thủ đẹp dịp Tết năm nay khoảng 8 sào được bán với giá gần 1,3 tỷ đồng.

Anh cũng cho hay cây phật thủ đang đem lại thu nhập lớn cho người dân Đắc Sở vì phật thủ ra quả quanh năm. Hơn một mẫu phật thủ của anh Trường ngày thường bán được khoảng 900 triệu đồng, cộng với thời điểm dịp Tết được hơn 800 triệu.

Tuy nhiên trồng cây phật thủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, kỹ thuật chăm sóc. “Năm nay năm nhuận nên nhiều nhà vườn tính lệch ngày cho ra quả là coi như mất. Chẳng hạn nếu bắt đúng thời điểm tháng 5 thì cho ra quả sai, nếu tháng 6 mới làm thì cho quả nhỏ, xanh. Bên cạnh đó, đất trông phật thủ khoảng 5 năm là bị đắng, cây cằn cỗi nên phải khoảng 2-3 năm sau khi cải tạo đất xong mới có thể quay lại trồng tiếp”, anh Trường chia sẻ.

Theo Infonet

Để lại một bình luận

0913.756.339