Phải thắt lưng buộc bụng nếu hụt thu từ dầu thô

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô đã giảm gần một nửa kể từ hồi tháng 7 đến nay, gây ảnh hưởng đến kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Với việc từ 10 – 30% thu ngân sách được đóng góp từ xuất khẩu dầu thô, giá dầu giảm sẽ tạo áp lực lớn lên điều hành ngân sách năm sau. Trao đổi với VnExpress, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn – Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã có những chia sẻ về vấn đề này cũng như tác động của giá dầu giảm lên nền kinh tế Việt Nam.

do-thien-anh-tuan-st-6121-1418869578.jpg

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn.

– Ông nhìn nhận thế nào về tác động của giá dầu giảm tới  các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt với một nước vừa lệ thuộc vào xuất khẩu dầu thô vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về tiêu thụ?

– Giá xăng dầu giảm chắc chắn tác động tích cực lên hành vi chi tiêu của hộ gia đình và sản xuất của doanh nghiệp, bởi thu nhập hiệu dụng của người dân tăng lên. Tuy nhiên, quan trọng là giá cả ở các thị trường hàng hóa khác có linh hoạt biến động theo giá dầu hay không.

Giá xăng tăng thì giá nhiều hàng hóa khác tăng theo, song khi giá giảm thì việc điều chỉnh giảm giá của các mặt hàng khác rất chậm chạp. Vì vậy, giá xăng giảm tác động đến hành vi chi tiêu và đầu tư của nền kinh tế ở mức nào còn phụ thuộc vào tính linh hoạt của giá cả hàng hóa đó. Chính phủ phải đảm bảo việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước linh hoạt hơn trước những thay đổi của giá xăng dầu thế giới.

– Nhưng xuất khẩu dầu thô đang là nguồn thu ngân sách quan trọng. Nếu giá dầu giảm 1 USD so với mức 100 USD một thùng, ngân sách năm 2015 sẽ hụt thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu giảm bội chi từ 5,3% GDP về 5% GDP?

– Việc giá dầu giảm, thậm chí giảm thấp hơn mức giá lập dự toán ngân sách chắc chắn đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách và đáng lẽ mức thâm hụt năm nay có khả năng sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, chúng ta lại chủ động tăng sản lượng khai thác để bù vào mức sụt giảm của giá nhằm đảm bảo đủ nguồn thu.

Rủi ro của thu ngân sách và phát triển kinh tế lệ thuộc vào khai thác tài nguyên đã được nói rất nhiều nhưng bây giờ gần như vẫn vậy. Trong khi đó, trữ lượng tài nguyên nói chung, dầu thô nói riêng không còn nhiều. Một chiến lược cải cách cơ cấu nguồn thu đã và đang được tiến hành, mặc dù đạt được một số bước tiến nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu của cải cách.

– Trong bối cảnh tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện, ông đánh giá như thế nào trước ý kiến cho rằng Chính phủ có thể phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách?

Trong tình huống năm 2015 giá dầu tiếp tục thấp, Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn

– Phát hành trái phiếu quốc tế sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài cũng như gánh nặng nợ công. Tuy nhiên, chừng nào ngân sách còn thâm hụt và Chính phủ vẫn có nhu cầu chi tiêu thì việc phát hành trái phiếu là đương nhiên.

Câu chuyện ở đây là liệu chi phí có thể thấp hơn trong điều kiện tín nhiệm của Việt Nam được cải thiện. Điều này chỉ đúng một phần, bởi lãi chỉ là một yếu tố khi quyết định vay nợ ngoại tệ. Nếu vay nợ quốc tế có lãi suất thấp hơn trong nước thì Việt Nam sẽ phải bù đắp cái lợi do chênh lệch lãi suất đó bằng chênh lệch tỷ giá kỳ hạn. Nói khác đi, nền kinh tế sẽ phải bỏ nhiều tiền đồng hơn để mua ngoại tệ trả nợ trong tương lai. Do đó, chưa chắc Việt Nam đã có lợi.

Ngoài ra, cần phải tính tới liệu có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ trong tương lai hay không. Nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước không có sản phẩm bán được ra thị trường nước ngoài để có nguồn thu ngoại tệ, trừ việc khai thác tài nguyên xuất khẩu.

Một thực tế khác là các khoản vay trái phiếu quốc tế thường được Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước, các tập đoàn kinh tế nhà nước vay lại. Khi các tập đoàn này vẫn tiếp tục được ưu tiên phân bổ nguồn lực, việc phát hành trái phiếu quốc tế khó thể coi là thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.

Tôi không nghĩ đây là một giải pháp hay ngay cả khi xét ở động cơ kinh tế. Nếu bây giờ chúng ta vay rẻ nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu sau này lãi suất trên thị trường trái phiếu quốc tế tăng lên? Lúc đó chi phí vốn của Việt Nam sẽ tăng lên và gánh nặng trả nợ sẽ là một thách thức rất lớn cho ngân sách.

– Ngân sách gặp khó khăn, vậy những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cần được đưa ra thế nào cho hợp lý?

– Chính phủ nên thực hiện các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp cũng như cho người dân. Đối với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ cho những đơn vị có lợi nhuận hoặc có năng lực nhưng tạm thời gặp khó khăn thua lỗ. Cơ quan quản lý có thể xét báo cái tài chính trong nhiều kỳ để xem xét lãi/lỗ của doanh nghiệp, từ đó có biện pháp ưu đãi thuế phù hợp, hoặc cho phép doanh nghiệp kéo dài thời hạn chuyển lỗ đến khi có lợi nhuận.

Ngoài ra, cũng nên có chính sách ưu đãi cho người dân để khuyến khích họ tăng chi tiêu. Việc người dân tăng cường tiết kiệm trong bối cảnh hiện nay sẽ không có lợi cho nền kinh tế (người ta gọi là nghịch lý tiết kiệm – paradox of thrift).

– Trước mắt, nhà điều hành cần có những biện pháp ứng phó như thế nào với giá dầu giảm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP?

– Giá dầu giảm sẽ có lợi hơn là có hại cho nền kinh tế. Nếu xu hướng này tiếp tục, việc điều hành giá xăng dầu trong nước phải thật sự linh hoạt hơn nữa.

Tuy nhiên, khó khăn của sự sụt giảm giá dầu đối với nguồn thu ngân sách là rất rõ ràng. Trong trường hợp này, Chính phủ phải thắt lưng buộc bụng, những dự án nào không cần thiết sẽ phải hoãn lại hoặc bỏ. Một cách lý tưởng là khi lập ngân sách, một số nguồn thu đặc biệt nào đó, chẳng hạn như dầu, sẽ được dành cho một số hạng mục chi tiêu riêng nào đó mà trong trường hợp nguồn thu đó bị ảnh hưởng thì các hạng mục chi tiêu đó sẽ bị loại trừ hoặc hạn chế thay vì lấy đi ở các khoản chi không có khả năng thương lượng.

Ngoài ra, việc giá dầu giảm sâu có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi và tình trạng lạm phát/giảm phát của kinh tế thế giới. Việt Nam là nước có độ mở thương mại khá cao, sức khỏe của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU, ASEAN… phải được đặt trong bối cảnh của các chính sách quản lý kinh tế của Chính phủ.

Phương Linh

Trả lời trên VTV ngày 15/12, ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết năm 2015, nếu giá dầu thô về mức 70 USD một thùng, nguồn thu ngân sách sẽ giảm so với năm 2014 khoảng 28.000-29.000 tỷ đồng. “Tuy nhiên, con số trên chỉ là nguồn thu trực tiếp từ các hoạt động sản xuất dầu thô, còn các nguồn khác như nhập khẩu dầu sản phẩm do đang hưởng lợi từ giá thấp nên đảm bảo cân bằng nguồn thu, không đến mức thiếu hụt”, ông Sơn khẳng định.

Nhắc lại số liệu từ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ giá giảm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu dầu. “Hiện nay 30% tiền thu ngân sách từ nguồn xuất khẩu dầu thô, nếu giá giảm không dám xuất bán thì sẽ không có nguồn thu”, ông Hải cho hay.

Đối với doanh nghiệp khai thác, chế biến xuất khẩu dầu, vị này cho biết chưa thể khẳng định được lỗ hay lãi vì còn phụ thuộc vào cách hạch toán với nhà nước và đến thời điểm này các doanh nghiệp dầu khí hầu như đã hoàn thành kế hoạch năm. Đáng lo ngại nhất là các hợp đồng đã ký có thời hạn thì ít nhất 3 tháng nữa sẽ bị tác động, chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nguồn thu trong năm 2015.

Liên quan đến việc tham mưu cho Chính phủ về điều hành, sản xuất khai thác dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết quan điểm cơ quan này là không phải do giá dầu thô giảm mà kiến nghị tăng sản lượng khai thác để bù đắp, bởi những mỏ có chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà chờ khi giá tăng trở lại.

Thành Tâm – Ngọc Tuyên

Trả lời

0913.756.339