Paul Krugman: ‘Trung Quốc khiến tôi lo sợ’

Trong Diễn đàn Tài chính châu Á tổ chức tại Hong Kong (Trung Quốc) đầu tuần này, chuyên gia từng đoạt giải Nobel Kinh tế cho biết: “Trung Quốc khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Không phải vì chính sách của họ sai lầm, hay điều gì tương tự, mà là vì mức độ điều chỉnh của chúng”.

Krugman cho rằng quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế phụ thuộc đầu tư sang phụ thuộc tiêu dùng mà Trung Quốc đang thực hiện là cực kỳ khó. Và Chính phủ nước này cần thực hiện thật nhanh chóng để tránh suy giảm sâu.

krugman-5730-1421900373.jpg

Paul Krugman cho rằng quá trình chuyển dịch kinh tế của Trung Quốc là rất khó khăn. Ảnh: AFP

Nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ hai chữ số, CNN cho biết. Dĩ nhiên, tốc độ này không bền vững. GDP đã tăng chậm lại những năm gần đây, xuống 7,4% năm 2014 – thấp nhất 24 năm.

“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc không rơi vào suy thoái khi thực hiện quá trình chuyển dịch này. Tôi cho rằng đầu tư sẽ giảm và tiêu dùng còn mất một thời gian nữa mới bắt kịp”, Krugman dự đoán.

Cách Chính phủ Trung Quốc quản lý quá trình cải tổ sẽ là việc rất quan trọng. Một trong những vấn đề khiến Krugman lo ngại là lực lượng lao động sụt giảm. Khủng hoảng dân số đang là thách thức rất lớn của nước này, phần nào gây ra do chính sách một con.

Trung Quốc đã chuyển hàng chục nghìn lao động từ nông thôn lên thành thị, để tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, họ vẫn rất thiếu nhân lực. “Trung Quốc đã rất thành công trong việc phát triển kinh tế hiện đại và giảm số lượng nông dân. Tuy nhiên, lực lượng lao động nước này thực tế đang đi xuống”, ông cho biết.

Người Trung Quốc cũng nổi tiếng với truyền thống tiết kiệm. Trên góc độ tài chính gia đình, thói quen này là tốt. Nhưng Chính phủ cũng đang cần người dân mở hầu bao và chi tiêu để kích thích tăng trưởng.

Krugman không cho rằng đây là vấn đề khó. “Họ có thể thay đổi nhiều chính sách để khuyến khích chi tiêu”, ông nhận xét. Nếu Bắc Kinh nghiêm túc trong việc chuyển sang nền kinh tế dựa vào tiêu dùng, Chính phủ sẽ phải tìm cách chuyển lợi nhuận của các công ty sang túi tiền người lao động.

Phương án khác là tạo ra tâm lý an toàn cho người dân, khiến họ không còn nhu cầu tích tiền phòng trường hợp khẩn cấp nữa. “Một xã hội không còn cảnh người dân đỗ lại rút tiền ở ATM trước khi vào bệnh viện chính là một xã hội tiêu dùng”, Krugman cho biết.

Một lo ngại khác của ông là rất nhiều số liệu kinh tế của Trung Quốc không phản ánh đúng thực tế. Sự thiếu chính xác và không kịp thời khiến giới phân tích rất khó theo dõi tiến độ của nước này. “Tôi ghét việc Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý, vì số liệu của họ rất khó phân tích”, ông cho biết.

Dù vậy, Krugman vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của Trung Quốc trong dài hạn: “Tôi cho rằng trong tương lai, Trung Quốc sẽ thành công thôi. Nhưng tương lai này có vẻ xa hơn chúng ta nghĩ”.

Hôm qua, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Trung Quốc – Lý Khắc Cường cũng tuyên bố nước này sẽ không hạ cánh cứng và đang tập trung đảm bảo tăng trưởng trung bình đến nhanh trong dài hạn.

“Trung Quốc có nhiều cơ hội phát triển khu vực thành thị và ngoại ô. Nhu cầu nội địa cũng có tiềm năng khổng lồ. Tình hình sẽ tiếp tục cải thiện và Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội cho thế giới nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh hoặc trung bình trong 10-20 năm tới”, ông cho biết.

Hà Thu

Để lại một bình luận

0913.756.339