Trước tình trạng doanh nghiệp một số tỉnh, thành như Hà Nội, Lâm Đồng, Long An, Sóc Trăng… không thu mua hết sữa cho người chăn nuôi, trong khi chất lượng vẫn đảm bảo, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn) vừa có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và các công ty thu mua chế biến sữa tìm cách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nông dân.
Theo đó, các địa phương cần kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi bò sữa và thu mua sữa tươi nguyên liệu của các doanh nghiệp đối với người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Đồng thời, Sở Nông nghiệp cần làm việc với doanh nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục và tạo cơ chế cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa bao tiêu hết lượng sữa tươi nguyên liệu cho người chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Sở cần hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trước khi tổ chức chăn nuôi bò sữa. Khuyến cáo người chăn nuôi phải thực hiện đúng hợp đồng cung cấp sữa tươi với doanh nghiệp.
Để bảo vệ người chăn nuôi bò sữa cũng như sự phát triển ngành sữa Việt Nam, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, Cục đã có công văn yêu cầu các công ty thu mua, chế biến sữa chia sẻ với người dân về những khó khăn trong quá trình chăn nuôi sữa hiện nay; thực hiện tốt thỏa thuận hợp đồng giữa công ty và người chăn nuôi, cùng nhau chia sẻ vượt qua khó khăn hiện tại.
Cục Chăn nuôi cũng đề nghị doanh nghiệp thống nhất với người chăn nuôi về hợp đồng, tiêu chuẩn, chất lượng sữa và bổ sung các nội dung hợp đồng tạo điều kiện cho người chăn nuôi cung cấp hết sản phẩm cho công ty.
Thời gian qua, nhiều người chăn nuôi bò sữa tại các xã Phù Đồng, Dương Hà (huyện Gia Lâm) đứng ngồi không yên vì không tiêu thụ hết lượng sữa sản xuất ra hàng ngày. Nhiều hộ chăn nuôi đang phải bù lỗ vì không bán được sản phẩm. Hàng chục nông dân ở xã Tu Tra và Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đem đổ sữa bò ngày tại trạm thu mua của công ty cổ phần sữa Đà Lạt vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi khi hạn chế lượng mua và giảm giá.
Hương Thu