Số liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong ngày đầu tiên điều chỉnh tỉ giá (7-1) cho thấy tỉ giá giao dịch thực tế trên thị trường xoay quanh mức phổ biến là 21.450-21.460 đồng/USD (tỉ giá trần và sàn là 21.673-21.243 đồng/USD). Tỉ giá bình quân liên ngân hàng thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, thanh khoản tương đối tốt, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 700 triệu USD.
Tôi cũng thấy “rúng rính”!
Tuy vậy, không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng đồng USD tăng vùn vụt, VNĐ mất giá nhiều hơn dự tính của NHNN trong khi dư địa điều chỉnh còn lại của cả năm 2015 chỉ còn 1% bởi 2 năm gần đây, thống đốc NHNN đều công bố tỉ giá trong năm sẽ điều chỉnh tăng không quá 2%.
Từng giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Ngoại hối – NHNN, TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết bản thân ông cũng thấy “rúng rính” trước một số ý kiến bình luận trên thị trường về khả năng đồng USD tăng vùn vụt và diễn biến chảy ngược USD ra nước ngoài. Tuy vậy, ông cho rằng thực chất, đồng USD đang phục hồi giá trị mà nó đã mất trong những năm 2005-2006 khi kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới rơi vào cuộc suy thoái khủng hoảng giai đoạn 2007-2008. Đến giờ phút này, giá trị đồng USD mới quay trở lại nhờ tín hiệu tốt về tăng trưởng, về lạm phát, tạo công ăn việc làm… của nền kinh tế Mỹ. “Tỉ giá hối đoái không phải chỉ tiếp cận theo hướng USD tăng mạnh ở thế giới thì sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh của VNĐ như thế nào vì ngoại hối còn có vai trò tác động quan trọng là cân đối cung – cầu trong thị trường nội địa và sức lực của nền kinh tế Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, đặc biệt là dự trữ ngoại hối” – ông Trương Văn Phước phân tích.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương, bình luận: Thời điểm điều chỉnh tỉ giá gần sát Tết Âm lịch tuy có gây ra lo lắng về việc giá cả hàng hóa thiết yếu sẽ tăng nhưng thực tế lại không phải vậy. NHNN đã chọn thời điểm thích hợp để nới tỉ giá bởi lạm phát đang thấp, giá các mặt hàng giảm, chỉ số giá nhập khẩu cũng hạ 1%-2%…
Có lo song vẫn tự tin
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty CP Phát triển sản phẩm Việt (chuyên nhập khẩu trái cây cao cấp từ châu Âu, Mỹ), cho biết doanh nghiệp (DN) có quỹ dự trữ biến động tỉ giá 1% nên với mức điều chỉnh tỉ giá như hiện nay, áp lực giá sẽ không lớn với cả DN và người tiêu dùng.
Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Hanco (Hanco Food), ông Phạm Ngọc Châu, cho biết DN sữa sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, hiện giá nguyên liệu sữa trên thế giới đang ổn định nên tỉ giá tăng 1% nhìn chung không ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của các DN nhỏ có doanh thu vừa phải.
Với DN trong ngành mía đường, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Biên Hòa, nhận định: “Tác động tỉ giá đến các DN sản xuất mía đường là tác động gián tiếp thông qua nhập khẩu phân bón, vật tư. Với DN nhập khẩu đường thì cũng không đáng kể bởi phải đợi đến cuối niên vụ mới phân giao hạn ngạch nhập, hiện giờ thì chưa”.
Trong khi đó, đại diện một công ty thủy sản tại miền Bắc lại tỏ ra lo lắng bởi để có sản phẩm xuất khẩu thì phải nhập một số nguyên liệu về phục vụ chế biến nên việc điều chỉnh tỉ giá sẽ khiến DN thiệt thòi. Càng có đơn đặt hàng lớn thì càng phải nhập nhiều nguyên liệu chế biến, mức thiệt hại sẽ cao hơn.
Giám đốc Công ty CP Hàng không Jetstar Pacific, ông Lê Hồng Hà, cho biết hoạt động hàng không chịu bất lợi lớn từ việc điều chỉnh tỉ giá vì các hãng phải chi ngoại tệ thuê, mua máy bay, có hãng phải chi cho nhiên liệu trong khi thu về chủ yếu là VNĐ. Tại Vietnam Airlines, VNĐ tăng thêm chỉ 1 đồng so với USD thì hãng cũng mất đi cả trăm tỉ đồng. Với quy mô chỉ bằng 1/10 Vietnam Airlines, Jetstar Pacific sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn. Năm 2015, hãng này lập kế hoạch kinh doanh trên cơ sở hạch toán tỉ giá bình quân cả năm là 21.500 đồng/USD. Nếu cả năm 2015 tỉ giá chỉ điều chỉnh không quá 2% như thông tin từ NHNN, giá nhiên liệu vẫn ở mức thấp thì ảnh hưởng không đáng kể đến lợi nhuận.
Người tiêu dùng đầu cuối sẽ phải gánh
Tuy nhiên, đối với các DN phải nhập khẩu hàng hóa khối lượng nhiều, giá trị lớn như xăng dầu, máy móc…, ảnh hưởng của điều chỉnh tỉ giá là đáng kể. Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho rằng biến động tỉ giá không ảnh hưởng đến giá thành thu mua thực tế bên ngoài bởi giá USD ngoài thị trường có thể không tăng nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phần tính thuế xăng dầu bởi quy định thuế nhập khẩu phải nộp theo tỉ giá liên ngân hàng được niêm yết; chưa kể hiện nay loại thuế này đã tăng lên mức 30%-35% với mỗi loại xăng, dầu. Tất nhiên, những sự điều chỉnh này đều phải đưa vào giá cơ sở để tính toán giá bán xăng dầu.
Theo bà Bùi Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Việt Đài, việc nới tỉ giá tác động trực tiếp đến giá nhập hàng của DN. Mỗi máy tiện xi nhập về đã có giá đến 1 tỉ đồng (tương ứng 46.000-47.000 USD) thì chênh lệch 200 đồng/USD là không nhỏ. Mức tăng này đều phải tính vào giá thành và khách hàng phải chịu.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM-SX Thép Việt, nói rằng khi tỉ giá tăng 1%, giá nguyên liệu nhập khẩu lập tức tác động đến chi phí nhập khẩu nguyên liệu và giá thành sản xuất thép, ít nhất làm tăng giá thành lên 0,8%. Trước mắt, tỉ giá tăng sẽ làm giá thành sản xuất nhiều lĩnh vực tăng, chi phí này về sau sẽ được tính cho người tiêu dùng. Với những DN nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất để bán ra thị trường nội địa hoặc có xuất khẩu một phần thì tỉ giá tăng sẽ tăng thêm khó khăn cho DN, buộc DN phải tính lại bài toán chi phí. Ở Việt Nam, DN phải gánh quá nhiều chi phí nên xuất khẩu không có nhiều lợi thế cạnh tranh. Điều cần làm là giảm chi phí sản xuất xuống thông qua việc nâng cấp hạ tầng đường sá, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng cho DN hoạt động và môi trường sản xuất – kinh doanh cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Cũng như vậy, ông Lưu Sơn Thủy, thành viên HĐQT Công ty CP DV-TM Kết Phát Thịnh, than: “Giá bò nhập từ Úc đã tăng khoảng 10%, tỉ giá tăng 1% đẩy giá bò nguyên con từ Úc về Việt Nam tăng. Nhưng theo diễn biến trong nước, từ nay đến Tết, giá thịt bò sẽ khá ổn định do nguồn cung nhiều, nguồn thịt nhập khẩu (kể cả thịt trâu giả bò) trên thị trường dồi dào, tiêu thụ chậm. Giá bán tăng hay giảm trong thời gian tới tùy thuộc vào phản ứng của thị trường chung.
Không ngại “chảy máu” ngoại tệ
Về nguy cơ đồng tiền mất giá làm chi phí đầu tư ở Việt Nam đắt đỏ hơn và gây hiệu ứng chảy ngược ngoại tệ, TS Cao Sỹ Kiêm – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên thống đốc NHNN – cho rằng tác động tiêu cực này không đáng kể bởi giảm giá VNĐ sẽ có lợi cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Ngoại tệ cũng ít có nguy cơ chảy ngược ra ngoài vì VNĐ bị lên giá, yếu hơn so với các loại ngoại tệ mạnh. Xuất siêu của Việt Nam mấy năm gần đây tăng lên, nhập siêu đang có chiều hướng quay trở lại nhưng không mạnh, nền sản xuất cũng chỉ tăng có giới hạn. “Trừ khi giá tiền VNĐ cao quá thì USD chảy ra ngoài kiếm lời. Còn giá VNĐ hiện vẫn thấp thì không có chuyện này. Có chăng chỉ đặc thù ở những thời điểm hoặc dự án nhất định. Còn ở góc độ tiêu dùng, VNĐ giảm giá, USD và ngoại tệ khác có giá trị hơn thì mua hàng ở nước ngoài có lợi hơn. Nhưng cơ chế quản lý ngoại tệ của Việt Nam khá chặt chẽ nên khó xảy ra điều này, trừ khi làm ăn phi pháp” – ông Kiêm nêu.
T.Hà – P.Nhung
Tô Hà – Phương Nhung – Thanh Nhân (Người lao động)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.