Những khu phố nhếch nhác (kỳ cuối)

Xập xệ vì chờ… giải tỏa

Cù lao Nguyễn Kiệu (phường 1, quận 4) nằm trong diện bị giải tỏa trắng nhằm quy hoạch xây dựng công viên cây xanh từ năm 2007. Đã có gần 400 hộ di dời, còn hơn 150 hộ chưa nhận được tiền đền bù nên chưa thể tìm chỗ tái định cư. Người dân phải sống trong những ngôi nhà cũ nát. Trải dọc theo hai bên bờ cù lao Nguyễn Kiệu (P1Q4), tuyến đường Lương Định Của (phường Bình Khánh, An Khánh, Thủ Thiêm, Bình An, Q2) là những ngôi nhà lụp xụp ẩn mình dưới những tòa cao ốc. Qua tìm hiểu, khu vực này nằm trong diện giải tỏa, có nhiều hộ dân sau khi được đền bù đã dời đi nơi khác. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hộ do chưa thỏa thuận được mức đền bù xứng đáng hoặc những hộ dời đi vẫn chưa được nhận nhà nơi ở mới nên họ vẫn phải quay lại ở tạm bợ.

Đứng trên cầu Nguyễn Kiệu nhìn xuống sẽ thấy những ngôi nhà cũ nát nằm san sát nhau. Hầu hết chỉ được đóng tạm bợ bằng ván vụn hoặc tôn đã gỉ. Ngôi nhà “sang” nhất xóm có được một lớp gạch bao bên ngoài. Nhiều ngôi nhà được che bằng bảng quảng cáo, hay những tấm bạt chống dột. Người dân cho biết họ không dám sửa nhà vì không biết đến lúc nào khu đất này sẽ bắt đầu giải tỏa. Nhà chị H. nằm ngay trong khu giải tỏa chỉ vẻn vẹn có 8m2 mà có tới 7 người. Ban ngày mấy đứa nhỏ đi học thì còn chỗ đi ra đi vô, nhưng buổi tối đi còn đụng nhau huống gì tìm chỗ nằm. Chị phải dựng một cái lều trước nhà cho 3 đứa lớn và chồng ngủ, còn chị và 2 đứa nhỏ nằm trong nhà.

Khu ổ chuột tại chân cầu Nguyễn Tri Phương (Q8) cũng đầy những ngôi nhà tồi tàn, ẩm thấp san sát nhau. Sàn nhà làm bằng mấy tấm gỗ mục cố định trên những cọc tre hoặc cọc xi-măng đúc sẵn. Một phần nhà nằm trên đất, phần còn lại bám sơ sài trên dòng kênh nước đen ngòm, dày đặc rác thải. Hầu hết người dân nơi đây đều lao động nghèo, buôn bán nhỏ, làm việc thời vụ có thu nhập thấp. Có gia đình 5 – 6 đứa con, ba mẹ phải đi khuân vác, chở cát, sạn… để kiếm miếng ăn cho con.

Đây không phải là khu dân cư duy nhất đang sống tạm bợ vì các dự án quy hoạch. Tại P13, Q.Bình Thạnh và đoạn cuối đường Dương Quảng Hàm (P5, Q.Gò Vấp), người dân cũng trong tình trạng tương tự. Dọc theo đường ray xe lửa là những căn nhà tạm bợ, được gia cố bằng tôn, ván cũ hoặc rào B40. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện khu vực này đang mở rộng đường và dự án công viên cây xanh. Vì thế nhiều nhà dân không thể xây dựng, sửa chữa để cải thiện môi trường sống. Con đường chạy trước nhà cũng đã bong tróc, lồi lõm đầy ổ gà ổ voi, có hố sâu cả 30cm. Khó khăn nhất là mỗi khi trời mưa, triều cường, tôn, tường siêu vẹo không che chắn nổi gió mưa. Đường sá ngập sâu, hiện trạng đã bao năm nay nhưng vẫn không hề thay đổi.

“Trường đua xe địa hình”

Ít ai ngờ rằng hiện các khu dân cư trong thành phố vẫn còn rất nhiều con đường “đau khổ”, không chỉ ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại mà còn trở nên nhếch nhác. Như đường số 3 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), nhiều năm nay trở thành nỗi khổ sở của người dân. Chỉ dài khoảng 3km, nhưng có hàng trăm ổ gà, ổ voi, có cái sâu gần tới đầu gối. Hôm chúng tôi đến, dù mới trải qua một cơn mưa nhỏ, nhưng không thể phân biệt được đây là đường hay là sông. Người đi đường phải lách qua trái, đi cả vào lề đường nhưng vẫn không thoát được các hố nước sâu. Đây là khu dân cư đang được hình thành và phát triển khá nhanh, các xe chở vật liệu xây dựng thường xuyên ra vào khiến tình trạng càng trở nên tệ hại hơn. “Nhiều năm qua, chúng tôi đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của con đường này. Đến nay dù đã có quyết định làm đường, nhưng không hiểu sao vẫn chưa được triển khai. Người dân lưu thông qua đây chẳng khác gì các tay đua xe địa hình cả” – anh Nguyễn Văn Tùng bức xúc.

Đường Nguyễn Xí xuống cấp nghiêm trọng

Tương tự, khoảng 200m đường Nguyễn Xí (đoạn nối đường Phạm Văn Đồng) hàng chục năm nay luôn gây ác mộng cho người dân. Chỉ một đoạn đường ngắn nhưng có rất nhiều hố sâu, đọng nước. Sau nhiều năm bị cày xới, nước mưa xói lở, hiện đoạn đường này giờ chỉ còn trơ lại bùn, đất… khiến hàng chục người dân hàng ngày phải lội qua lại một cách khó khăn. Bà Nguyễn Thị Thương bán giải khát ở đoạn đường này cho biết: “Những hôm trời mưa hoặc triều cường, người lớn đi làm, học sinh đến trường đều lấm lem bùn đất. Có trường hợp còn té ngã rất nguy hiểm”.

Vấn đề tái định cư, các dự án treo, đường sá xuống cấp của thành phố đã từng rất “nóng” trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân. Qua đó, nhiều khu dân cư được cải thiện, đường sá nâng cấp… Thế nhưng hiện thành phố vẫn còn khá nhiều nơi người dân vẫn chưa ổn định nhà cửa để sinh sống. Rất mong chính quyền địa phương và các ngành chức năng có kế hoạch ổn định nơi ở để họ có cuộc sống tốt hơn.

Trà – Ngọc (Công an TP.HCM)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339