Người dân không mặn mà vào các khu tái định cư
Đó là dự án “Quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển tỉnh Quảng Nam” với tổng vốn đầu tư gần 3.700 tỷ đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2008. Thế nhưng mấy năm qua Dự án này bất ngờ tạm dừng đầu tư do đói vốn, hậu quả là làm cho cuộc sống người dân trong vùng quy hoạch bị xáo trộn, hoang mang không biết sẽ di dời hay ở lại.
Đi không được, ở không yên
Theo kế hoạch, thời gian thực hiện Dự án khoảng 13 năm từ 2008 đến 2020 và được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2008 – 2010, di dời, sắp xếp trên 4.300 hộ dân với gần 17.000 nhân khẩu và tổng nguồn kinh phí đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2 từ năm 2011 – 2015, di dời, sắp xếp trên 3.000 hộ dân với gần 13.000 nhân khẩu, tổng kinh phí đầu tư trên 1.400 tỷ đồng. Giai đoạn 3 từ 2016 – 2020, di dời, sắp xếp gần 800 hộ với trên 2.400 nhân khẩu, kinh phí đầu tư trên 900 tỷ đồng… Thế nhưng sau nhiều năm đợi chờ thì Dự án di dân ở một số làng chài dọc ven biển tỉnh Quảng Nam vẫn trong tình cảnh ì ạch.
Tại các khu tái định cư (TĐC) ở xã Duy Hải, Duy Nghĩa của huyện Duy Xuyên diện tích rộng lớn song thưa thớt nhà ở. Đường lớn, đường nhỏ mở ra chi chít, hệ thống điện cũng bắt đầu đấu nối nhưng khu dân cư nhà cửa thưa thớt. Chỉ tính riêng tại xã Duy Nghĩa, với sự tham gia đầu tư của hàng chục dự án thành phần, trong đó nhiều dự án mang tên sắp xếp dân cư như KDC Hồng Triều, Lệ Sơn, Nồi Rang, đường dẫn cầu Cửa Đại, đường ĐH6; đặc biệt đường giao thông trục chính KDC làng chài chiếm 721ha. Đã có nhiều trường hợp bắt buộc phải di dời, đã nhận hơn một nửa tiền đền bù, chờ đợi TĐC, đùng một cái Dự án thông báo tạm dừng. Chị Vinh, trú xã Duy Nghĩa cho biết, gia đình được đền bù hơn 120 triệu đồng, được chủ đầu tư trả trước 81 triệu đồng. Đùng cái nghe nói Dự án tạm dừng triển khai vậy là số tiền còn lại không được nhận. Nhà ở thì xuống cấp mà không dám sửa. Giờ đây đi không được, ở cũng không yên.
“Treo” đến bao giờ?
Tại các khu vực như Thuận An, Hội Sơn xã Duy Nghĩa thuộc diện phải cấp bách sắp xếp dân cư nhưng nhiều năm vẫn bất động. Nghịch lý là, nhiều dự án thiếu quỹ đất TĐC cho dân, ngược lại một số khu TĐC dân không chịu vào ở. Đơn cử, Dự án tuyến đường trục chính của xã Duy Nghĩa có 146 hộ bị giải tỏa, song đến nay mới bố trí được 31 hộ TĐC; hơn 50 hộ bị giải tỏa trắng trong Dự án đường dẫn cầu Cửa Đại đang chờ đất TĐC từng ngày.
Tại khu TĐC Tây Sơn Đông của xã Duy Hải đã làm ngập úng gần 20ha đất ruộng cánh đồng Bầu Ngang. Ông Võ Quốc Hai, Phó ban nông nghiệp xã Duy Hải cho biết, từ ngày xây dựng công trình tái định cư, cao trình cống thoát nước cao hơn mặt bằng tự nhiên, nên ruộng sản xuất của người dân bị ngập úng mỗi khi có mưa lớn xảy ra. Còn bà Nguyễn Thị Bèo kể: “Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng liên tục trồng lúa, đậu phụng, mè. Thế nhưng, 2 năm nay đất bỏ không, vì chỉ cần một trận mưa lớn, nước từ các cống trên cao trút xuống ngập úng hết cả đồng Bầu Ngang”.
Qua tìm hiểu được biết, theo quy hoạch khu TĐC Duy Hải giai đoạn 1 quy mô rộng 50ha, phương án thoát nước tại khu tái định cư này đã có giải pháp kỹ thuật, thiết kế ống kín đi ngầm trong lòng đất với điểm cuối tuyến của đáy cửa xả có cao trình cao hơn 2m so với mực nước biển. Thế nhưng khi tổ chức thi công khu TĐC này đã chưa tính toán việc ngập úng cục bộ do chênh lệch về cao trình. Nhiều khu TĐC khác cũng cùng chung số phận. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho rằng, nông dân Tây Sơn Đông không sản xuất được là mất mát lớn. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cao nhất huyện nên nếu không giải quyết rốt ráo, hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại thì việc giải quyết bài toán nghèo sẽ còn khó khăn gấp bội.
Theo Phòng Quy hoạch và xây dựng của Ban quản lý Kinh tế mở Chu Lai, để chấn chỉnh bất hợp lý trong quy hoạch, đơn vị đã điều chỉnh từ 27.000 ha xuống còn 3.800ha. Các khu TĐC thực hiện chưa hết thì sẽ thu nhỏ lại quy mô, diện tích còn lại sẽ bàn giao cho địa phương quản lý. Giai đoạn 2014-2016, sẽ phân kỳ đầu tư theo từng khu vực, trường hợp chưa triển khai xây dựng vẫn cho phép người dân xây dựng tạm. Còn người dân thì chỉ biết kêu trời là không biết các Dự án sẽ “treo” đến bao giờ.
T. Thành- N. Sơn (ĐĐK)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.