Vất vả “vượt” vỉa hè vào nhà
Tại đường Đồng Đen, ở đoạn gần giao lộ với đường Phạm Phú Thứ (quận Tân Bình) vừa hoàn thiện việc thảm nhựa mặt đường, đặt bó vỉa (chuyển tiếp cao độ giữa mặt đường và vỉa hè) để chuẩn bị làm vỉa hè thì nhiều nhà dân ở đây đã trộn bê tông, đổ thẳng xuống lòng đường tại điểm tiếp giáp với bó vỉa hè. Theo lý giải của họ, dù bó vỉa được vạt xéo góc nhưng còn rất cao gây bất tiện khi họ ra vào nhà.
Tương tự, dọc tuyến đường Kênh Tân Hóa (quận 11, quận Tân Phú) vừa hoàn thiện là hàng loạt cảnh nhí nhố xuất hiện. Dễ thấy nhất là hình ảnh những miếng ván, bao cát, bục dắt xe bằng sắt được đặt dưới lòng đường và nhiều nơi người dân đổ hẳn bê tông làm chiếc cầu nhỏ để thuận tiện đi lại nhưng không gây cản trở việc thu gom rác, thoát nước. “Vỉa hè ở đây cao quá, chúng tôi muốn vào nhà rất khó khăn. Các con tôi đi xe tay ga đều bị cạ gầm khi lên xuống vỉa hè. Không ít lần bị loạng choạng, té nên gia đình và nhiều nhà quanh đây đều làm bục sắt để thuận tiện ra vào” – bà Phạm Hoàng Mai (461 Kênh Tân Hóa, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) cho biết.
Còn dọc đại lộ Võ Văn Kiệt độ cao vỉa hè và bó vỉa càng gây “choáng” hơn khi có độ dốc lớn. ở một số nơi trước trụ sở cơ quan, đường hẻm, bó vỉa và vỉa hè được vuốt thấp theo dạng lòng máng. Vậy nên người dân hai bên đường hoặc phải “bắc thang” hoặc phải tìm vỉa hè được vuốt thấp để chạy xe vào nhà. Khi thấy PV đến chụp ảnh, nhiều người dân như tìm được chỗ “xả”, vây đến bày tỏ. “Cao to như tôi mà vẫn rất vất vả mỗi khi dắt xe từ nhà ra đường hoặc ngược lại thì với phụ nữ, việc “leo” vỉa hè vào nhà là một nỗi ám ảnh. Không biết cơ quan chức năng tính toán như thế nào mà thiết kế vỉa hè thiếu thân thiện và gây nguy hiểm cho dân như thế” – ông Nhiêu Hiếu Nhân (262 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) nói.
Ông Nhiêu Hiếu Nhân ở đường Võ Văn Kiệt phải cố hết sức mới đẩy được xe lên vỉa hè để vào nhà. Ảnh: VH
Ai cũng đúng nhưng dân thì… khổ!
Tình trạng bó vỉa dựng đứng gây khó dân có ở hầu khắp các tuyến đường cũ, mới và đang thi công, xảy ra bất kể ở nội hay ngoại thành. Đặc điểm chung là bó vỉa cao, trơn gây không ít khó khăn cho người dân “leo” qua.
Theo Sở GTVT, mẫu thiết kế định hình bó vỉa hè đã được quy định từ năm 2009. Tuy vậy, theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, cao độ vỉa hè hiện nay trên nhiều tuyến đường không đồng bộ. Có những trường hợp trên cùng một tuyến đường nhưng cao độ vỉa hè cao thấp cũng có độ vênh lớn. Đơn cử tuyến Bà Huyện Thanh Quan và Trương Định (quận 3), từ đường Kỳ Đồng trở về hướng quận 1 thì vỉa hè thấp, bó vỉa có độ lài dài nhưng đoạn từ Kỳ Đồng đến Rạch Bùng Binh vừa cao lại dốc và làm bằng đá granite nên rất trơn. Chiều cao của vỉa hè so với mặt đường đoạn từ Kỳ Đồng đến Rạch Bùng Binh là xấp xỉ 20 cm, trong khi đó từ Kỳ Đồng đến quận 1 chỉ xấp xỉ 10 cm.
Theo ông Lê Thanh Liêm, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM (chủ đầu tư các dự án ở đường Kênh Tân Hóa, Lũy Bán Bích – Tân Hóa, Đồng Đen…), độ cao các bó vỉa, vỉa hè ở các dự án trên làm theo phê duyệt Sở GTVT. “Nếu muốn hạ cao độ thì phải có sự chấp thuận của Sở GTVT sau khi có ý kiến khảo sát thực tế (gồm đại diện của Sở GTVT, địa phương, tư vấn thiết kế). Chúng tôi là chủ đầu tư, chỉ làm đúng theo các thiết kế được duyệt” – ông Liêm lý giải.
Tương tự, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định theo tiêu chuẩn Việt Nam, cao độ tối thiểu của vỉa hè là 12,5 cm so với mặt đường. Áp theo tiêu chuẩn này, tùy theo các tuyến đường ở thành phố mà có độ cao trung bình của vỉa hè là 15 cm. Tuy vậy, sau một thời gian áp theo “chuẩn” này có một số chỉ tiêu không còn phù hợp, dẫn đến thực trạng trên. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT, cho biết đã nghe phản ánh và sẽ yêu cầu các phòng ban chuyên môn ghi nhận thực tế và có hướng xử lý đảm bảo việc xây dựng theo quy định và tạo thuận tiện cho người dân.
Việt Hoa – Minh Phong (Pháp luật TP.HCM)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.