Nhà ở sinh viên: Lại lo… đứt gánh giữa đường

Đặc thù của những dự án an sinh này là đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và được giao cho các liên danh nhà thầu “uy tín” như Vinaconex hay Handico… Tháng 11/2014, 2 trong số nhiều dự án được thông báo đăng ký thuê.

Nhiều người vẫn chưa quên năm 2009, những dự định ấp ủ được cụ thể hóa bằng lời nói, hành động, chỉ đạo của giới chức Thủ đô liên quan tới vấn đề quy hoạch cơ sở đào tạo bậc đại học nói chung, đáp ứng nhu cầu chỗ ở mới cho sinh viên nói riêng.

Hà Nội khi đó có 86 cơ sở đào tạo cho học sinh – sinh viên (HS-SV), trong đó có 70 trường công lập và 16 trường dân lập (chưa bao gồm các cơ sở đào tạo của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng). Số lượng 80 vạn HS-SV chỉ được hệ thống KTX các trường đáp ứng chỗ ở từ 5 – 20%. Sở Xây dựng Hà Nội dự báo, năm 2015, Thủ đô sẽ có khoảng 1 triệu SV, đòi hỏi 75.000 căn hộ trong KTX.

5 năm vật vã

Trước thực trạng “cầu vượt cung” đó, cộng thêm tình trạng xuống cấp đồng loạt ở nhiều khu KTX, Chính phủ dự kiến chi 600 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho UBND và các trường đại học của Hà Nội triển khai các dự án nhà ở sinh viên từ 2009 đến hết 2011.

Rất nhanh chóng, Hà Nội đã phê duyệt 4 dự án KTX mới ở Pháp Vân – Tứ Hiệp, Mỹ Đình II, Xuân Đỉnh – Cổ Nhuế và Đồng Mai – Hà Đông. Sự đón nhận hồ hởi của các chủ đầu tư (bao gồm cả Sở Xây dựng lẫn các đơn vị, DN nhà thầu) được thể hiện bằng những nhát cuốc khởi công, những chiếc cọc cắm mốc và cam kết bàn giao cụ thể.

Tháng 9/2009, 2 dự án có quy mô hơn cả là khu nhà ở SV Pháp Vân – Tứ Hiệp (thuộc KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp, Hoàng Mai) do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư đã chính thức khởi công trên diện tích 37.000m2 đất và khu nhà ở Mỹ Đình II (thuộc KĐT mới Mỹ Đình II, Từ Liêm) do liên danh Vinaconex – Handico cắm mốc khởi công kèm theo lời bảo đảm bàn giao sau 20 tháng…

Với tốc độ giải ngân và triển khai dự án “thần tốc” như vậy, Sở Xây dựng Hà Nội lạc quan: Đến cuối 2011, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 330.000 chỗ ở mới cho SV (giải quyết gần 30% nhu cầu ở của SV năm 2015).


Tháng 11/2014, 2 trong số nhiều dự án được thông báo đăng ký thuê

Hết năm 2011, 2 đại dự án nêu trên “nguyễn y vân”, trong khi các dự án KTX khác (ĐH Thủy lợi, Nông nghiệp, Ngoại thương và ĐH Việt – Hung) đang “gồng mình” hoàn tất những hạ phần cuối cùng trước cơn khát vốn kinh niên.

Năm 2013, trong số 10 dự án được Hà Nội phê duyệt, chỉ có 2 dự án về đích là KTX ĐH Thủy lợi, Việt – Hung. Đáng chú ý, cả 2 dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư và dự án do liên danh nhà thầu “khủng” thực hiện đều có tốc độ chậm ngang ngửa. Các dự án KTX này “chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền” và không được điều chỉnh tổng mức đầu tư khi dự án kéo dài, giá nguyên vật liệu – nhân công thay đổi (theo Nghị định 83/2009).

Thiếu vốn đến bao giờ

Tháng 9/2013, trước áp lực tiến độ (thiếu vốn) lẫn dư luận, như một sự “chẳng đặng đừng”, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Thành phố chuyển đổi tòa A3 tại KĐT Pháp Vân – Tứ Hiệp từ nhà ở SV sang nhà cho người thu nhập thấp để giảm tải.

Trước đó, một thời gian dài, các chuyên gia đầu ngành đã phân tích nhiều điểm bất hợp lý liên quan tới vị trí quy hoạch xây dự án KTX này. Cụ thể, theo Ts. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, “vấn đề xây dựng chỗ ở cho SV là cấp thiết song không phải vì thế mà vội vàng triển khai, phải xây KTX gắn với các cụm trường ĐH, thay vì cứ thấy đất còn trống là sử dụng… Phải chăng lúc đó (năm 2009 – PV) họ không muốn xây nhà SV nhưng do loại nhà này được cung cấp về vốn, ưu đãi nhiều nên họ đề xuất như vậy?”.

Không riêng Ts. Liêm, một vài đại diện lãnh đạo các trường ĐH tầm cỡ cũng tỏ ra nghi ngại khả năng lãng phí các công trình KTX khi quy hoạch di dời hàng loạt trường ĐH ra ngoại thành. Chưa thành hình, đã vội đề nghị xin chuyển công năng, đó là cách giải quyết “tình thế” của Sở trước áp lực về đơn giá đầu tư đội lên ngoài dự kiến.

Chi tiết, ban đầu dự án KTX tại Pháp Vân – Tứ Hiệp gồm 6 đơn nguyên cao 19 tầng với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Tới cuối 2013, 5 đơn nguyên vào giai đoạn hoàn thiện (tòa A3 bắt đầu trát phía trong và lắp đặt ống cấp thoát nước…). Chính phủ đã rót 1.100 tỷ đồng cho dự án, nhưng phần vốn đầu tư cho dự án lại “phình” thêm hơn 300 tỷ (tổng mức vào khoảng 1.800 tỷ đồng).

Dự tính, nếu được chuyển đổi nhà A3 sang nhà thu nhập thấp và bán thành công, Sở sẽ thu về 110 tỷ đồng để thanh toán cho đơn vị thi công và tiếp tục đầu tư phần còn lại của dự án. Phương án này được đưa ra trong bối cảnh thị trường từng chứng kiến trên 30 khách hàng làm đơn xin trả lại nhà và thanh lý hợp đồng ở dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng – Hà Đông (một phần lý do là vị trí xây dựng dự án xa trung tâm và hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh).

Ngày 6/11/2014, Sở Xây dựng “loan tin” về việc đăng ký cho thuê chỗ ở tại hai khu nhà ở SV Pháp Vân – Tứ Hiệp và khu nhà ở SV Mỹ Đình II. Các thông số kỹ thuật về số lượng, diện tích phòng, giá thuê dự kiến cho từng khu, và địa điểm nhận thông tin đăng ký đều rất chi tiết. Báo chí truyền thông và hơn cả là giới HS-SV Thủ đô hồ hởi đón nhận.

Cuối tháng 12, Lãnh đạo Thành ủy bất chợt cho hay: hiện mới chỉ có 4/10 dự án được đưa vào khai thác sử dụng (ĐH Thủy lợi, Nông nghiệp, Ngoại thương và ĐH Việt – Hung). 6 dự án còn lại đang phải tạm dừng vì thiếu vốn khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó có 2 khu KTX tập trung cần 1.300 tỷ đồng.

Và rằng: UBND Tp.Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn để hoàn thành đầu tư xây dựng 6 dự án đang triển khai. Trong đó, dự án khu KTX Pháp Vân – Tứ Hiệp cần 696 tỷ đồng; Khu KTX Mỹ Đình II còn thiếu 64 tỷ…

Song Hà (Thời báo kinh doanh)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

0913.756.339