Chỉ khi thị trường địa ốc đóng băng, doanh nghiệp không còn tiền để triển khai dự án thì gói hỗ trợ lãi suất 30 ngàn tỉ đồng trở thành một miếng bánh hấp dẫn. Tham gia xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp sẽ được vay từ gói hỗ trợ này, đồng thời người mua cũng được vay vốn, cả đầu vào lẫn đầu ra đều thông! Giá nhà ở xã hội cũng giảm xuống do được thêm ưu đãi về thuế sử dụng đất.
Mặt khác, do đối tượng chính mà gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ đồng nhắm đến là nhà ở xã hội, nên phân khúc nhà ở thương mại rất khó để chen vào. Chủ dự án xây căn hộ thương mại tất nhiên không được vay từ gói 30 ngàn tỉ đồng, còn người mua nhà thì bị khống chế chỉ được vay khi chọn mua những dự án căn hộ dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Vào thời điểm gói hỗ trợ này ra đời, những dự án nhà ở thương mại đáp ứng hai yêu cầu đó là rất hiếm.
Thế nên, một số doanh nghiệp đã quyết định xin chuyển dự án căn hộ cao cấp thành nhà ở xã hội. Nhiều dự án phải xếp hàng chờ đến lượt… Tốn nhiều thời gian và công sức, họ mới được toại nguyện, để rồi hơn một năm sau, có doanh nghiệp đang làm thủ tục để xin chuyển dự án trở lại là dự án nhà ở thương mại!
Lý do: họ không thể bán được hàng như mong đợi. Các cơ quan ban ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng trước nay vẫn cho rằng gói 30 ngàn tỉ đồng giải ngân quá chậm là vì thị trường không đủ nguồn cung nhà ở xã hội. Nhưng nay các doanh nghiệp đã vào cuộc cùng nhà ở xã hội khẳng định nguyên nhân chính là do điều kiện được vay để mua nhà ở xã hội khó khăn quá.
Vì thế, những người có thu nhập thấp thực sự phải trông chờ vào gói hỗ trợ này thì không đủ điều kiện được vay, còn những người có điều kiện hơn sẽ chuyển sang tìm mua nhà ở thương mại.
Từ chỗ được đánh giá là phân khúc hấp dẫn đối với người có thu nhập thấp, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhà ở xã hội đã dần đánh mất vị thế ấy vì những điều kiện được mua, vay quá khó khăn. Đó là chưa kể sự lo ngại về chất lượng của sản phẩm. Trong khi đó, phân khúc căn hộ thương mại giá rẻ không chịu ràng buộc về thủ tục, lại ngày càng nỗ lực giảm giá bán xuống gần tương đương với nhà ở xã hội.
Đến nay, khi Thông tư số 32/2014-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều về quy định cho vay hỗ trợ nhà ở chính thức có hiệu lực từ ngày 25-11, người mua dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất từ gói 30 ngàn tỉ đồng, những ưu thế trước đây của nhà ở xã hội so với nhà ở thương mại giá rẻ gần như không còn.
Người mua nhà ở thương mại có giá không vượt quá 1,05 tỉ đồng đều được vay tiền và thời gian hỗ trợ cho vay được nâng từ 10 năm lên 15 năm. Nghĩa là từ nay người mua nhà đã có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm địa ốc để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Mà trên thị trường, căn hộ thương mại có giá khoảng 1 tỉ đồng là sản phẩm được nhiều doanh nghiệp hướng tới trong giai đoạn hiện nay. Khi các điều kiện được nới rộng, nhiều dự án nhà ở thương mại này có điều kiện để tiếp cận gói 30 ngàn tỉ đồng, rõ ràng nhà ở xã hội ngày càng giảm đi sự hấp dẫn.
Mới đây, một quan chức của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng với nhiều quy định chưa phù hợp, việc triển khai thực hiện còn máy móc, thủ tục tiếp cận vốn vay để mua nhà khó khăn, chất lượng dịch vụ chưa tốt…, thì nhà ở xã hội không có sức hấp dẫn cũng là bình thường.
Nếu không có những thay đổi về chất lượng xây dựng, về thủ tục mua thì dù có thêm ưu đãi đi chăng nữa, nhà ở xã hội vẫn không thể cạnh tranh được với nhà ở thương mại…
Hồng Thuận (DNSG)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.