Cuộc chơi tốn kém
Những tòa nhà chọc trời đã và đang đua nhau mọc lên ở nhiều nước kinh tế phát triển là kết quả của cuộc đua tranh khoe sự giàu sang và cạnh tranh tài năng kiến trúc. Chính thức đi vào hoạt động từ 2011, Keangnam Hanoi Landmark Tower – cụm tòa tháp cao nhất Việt Nam, đồng thời cao nhất Đông Dương, ngốn tổng số tiền đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD.
Vài năm về trước, khi nhắc đến Keangnam, người ta nhớ ngay tới vụ cá cược lên tới 100 tỷ đồng gây xôn xao dư luận, giữa một nhóm cựu chiến binh, chuyên gia, kỹ sư xây dựng với chủ đầu tư về việc liệu công trình có kịp hoàn thành tiến độ trước dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long – Hà Nội hay không?
Sự việc gây tranh cãi từ ngày 14/11/2008, khi đích thân chủ tịch Ha Jong Suk đã gửi thông cáo khẳng định Keangnam – Vina, chủ đầu tư tổ hợp chung cư cao tầng, khách sạn, dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cam kết hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. “Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không thực hiện đúng cam kết” – ông Ha Jong Suk tuyên bố.
Tòa nhà cao nhất VN gắn liền với nhiều tai tiếng
Tuy nhiên, sau những tranh cãi gay gắt, kết quả cuộc gặp gỡ chính thức giữa nhóm cựu chiến binh và đại diện tập đoàn Keangnam – Vina đã dậm chân tại chỗ. Không có văn bản nào được ký kết về việc thách đố trên.
Để đứng ở vị trí thứ hai sau tòa tháp Keangnam, chủ đầu tư dự án Lotte Center Hà Nội cũng phải bỏ ra 400 triệu USD sau khi mua lại dự án Hanoi City Complex ban đầu thuộc sở hữu của Tập đoàn Daewoo. Được cấp phép từ năm 2005, tuy nhiên, do gặp khó về tài chính nên dự án đã bị chậm tiến độ một thời gian khá dài.
Nổi tiếng hay tai tiếng?
Được biết đến với thương hiệu đẳng cấp làm nên tòa nhà cao tầng và hiện đại nhất Việt Nam, song, trước và sau khi đi vào hoạt động, Keangnam luôn gắn với nhiều tai tiếng.
Do “chạy đua” tiến độ, trong vòng chưa đầy một năm (từ 7/2009 đến 2/2010) tại Keangnam liên tục xảy ra các vụ tai nạn lao động làm 6 người chết, nhiều người bị thương. Đây là con số chưa từng có đối với việc xây dựng một tòa nhà ở Việt Nam. Chưa hết, đã xảy ra hai vụ hỏa hoạn tại công trường Keangnam.
Vào khoảng cuối tháng 6/2011, Keangnam nổi đình nổi đám khi bị hàng trăm cư dân sống tại đây tố cáo “bóc lột” cư dân khi thu hàng loạt các loại phí “khủng”. Chủ đầu tư tòa nhà cao nhất Việt Nam cũng đã phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỷ đồng. Gần đây nhất là tranh cãi về diện tích căn hộ đã khiến chủ đầu tư và cư dân phải ra tòa.
Trong khi đó, sự cố về thang máy chỉ sau thời gian ngắn khai trương đã khiến Lotte Center mất điểm. Đại diện của tòa nhà tòa nhà Lotte Center xác nhận, khi 7 vị khách đi từ tầng 63 xuống tới 35 thì gặp sự cố kẹt thang máy.
Một luồng dư luận còn đòi “tẩy chay” khi trung tâm thương mại này tuyên bố chỉ “dành cho người giàu”. Gần đây nhất là sự kiện bán hàng khuyến mại dành riêng cho khách VIP, cấm cửa khách bình dân cũng bị dư luận phản ứng dữ dội.
Nguồn cung không nhỏ từ các tòa nhà chọc trời
Khủng hoảng thừa nguồn cung
Xét về khía cạnh BĐS, các tòa nhà chọc trời đi vào hoạt động kéo theo sự khủng hoảng thừa trên nhiều phân khúc. Hơn 89.000m2 sàn của Keangnam đã khiến cho nguồn văn phòng cho thuê, đặc biệt là khu vực phía Tây tăng đột biến. Mặc dù có một lượng lớn văn phòng được cho thue tại dự án này nhưng tới nay, tỷ lệ trống không hề nhỏ. Trong khi đó, văn phòng cho thuê ở phía Tây tại các tòa nhà xung quanh cũng gặp một áp lực, mặc dù đã giảm khá mạnh, nhưng sẽ còn giảm thêm trong thời gian tới.
Tại Lotte Center chỉ mới có 25% diện tích văn phòng được cho thuê trong tổng diện tích sàn văn phòng là 45.000m2. Điều này đồng nghĩa với việc tổ hợp còn trống tới 33.750m2 sàn văn phòng, tương ứng với 75% diện tích. Giá thuê văn phòng tại Lotte là 37 USD/m2/tháng, thuộc mức trung bình của phân khúc văn phòng hạng A.
Không chỉ riêng phân khúc văn phòng cho thuê, việc một tổ hợp như Keangnam và Lotte Center đi vào hoạt động cũng khiến các phân khúc khác như văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ, trung tâm thương mại… diện tích cũng tăng đột biến.
Có thể nói, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, các chủ đầu tư nhà chọc trời đang đối mặt với nhiều thách thức. Nhiều dự án đã phải tính lại, như PVN rời bỏ cuộc chơi khi một thời tuyên bố xây dựng tòa tháp 102 tầng ở Mỹ Đình.
Duy Anh (Vietnamnet)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.