Theo thống kê của VnExpress.net, trong gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn chứng khoán có khoảng trên 400 doanh nghiệp đã báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2014, trong đó 90% doanh nghiệp báo lãi, chỉ khoảng 10% lỗ. Đặc biệt hơn, trong số 90% doanh nghiệp có lãi, khoảng 10% có hoạt động doanh thu và lợi nhuận trái chiều.
Nằm trong top đầu trên sàn chứng khoán, lại đứng đầu ngành sản xuất, Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Mã CK: VMN) năm nay hoạt động kinh doanh có nhiều biến động. Đặc biệt, doanh thu tăng vọt nhưng lợi nhuận không đạt kế hoạch mà còn giảm mạnh.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2014 của công ty này, cả năm doanh nghiệp đạt 35.703 tỷ đồng, tăng 13% so với 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 6.068 tỷ đồng, giảm 7% so với 2013.
Nguyên nhân là giá vốn hàng bán tăng 14,7%. Ngoài ra, sức ép về mặt tài chính cũng khiến Vinamilk gặp nhiều khó khăn, trong đó, lãi vay tăng lên 39,6 tỷ đồng, gấp 380 lần năm 2013. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 43% và 30%.
Cùng chung cảnh với Vinamilk là Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (Mã CK: PGS). Báo cáo tài chính hợp nhất 2014 của công ty này cho thấy, doanh thu cả năm đạt 7.538 tỷ đồng, tăng 8% so với 2013, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ gần 188 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ.
Năm nay, giá vốn hàng bán của công ty này tăng 8,8%, chi phí bán hàng theo đó cũng tăng 9% lên 676 tỷ đồng. Theo lý giải của doanh nghiệp, việc lợi nhuận giảm là do giá dầu thế giới và trong nước của quý cuối năm 2014 giảm mạnh, từ đó giá bán LPG/CNG cũng lao dốc theo.
Nhiều doanh nghiệp có doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận lại teo tóp. |
Là ông lớn trong ngành dược phẩm, năm nay Công ty cổ phần dược Hậu Giang (Mã CK: DHG) cũng có kết quả lợi nhuận không mấy khả quan. Báo cáo hợp nhất quý IV của công ty cho thấy doanh thu thuần về bán hàng đạt 3.633 tỷ đồng, tăng 16,8% so với 2013. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ 521 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2013.
Theo giải trình của Dược Hậu Giang, nguyên nhân làm lợi nhuận sau thuế quý IV và cả năm 2014 giảm là do trong 2013, DHG thực hiện trích quỹ khoa học công nghệ 5% thu nhập tính thuế và phát sinh khoản thu nhập thuần từ chuyển nhượng thương hiệu Eugica 122 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/12/2014, DHG có hơn 1.173 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn với gần 1.105 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng nhẹ khoảng 13 tỷ đồng so với đầu năm.
Bên cạnh những doanh nghiệp có doanh thu cao mà lợi nhuận sụt giảm, trên sàn cũng có khá nhiều doanh nghiệp có doanh thu giảm nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh so với cùng kỳ. Điển hình là các doanh nghiệp trong nhóm thủy sản.
Cụ thể, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (Mã CK: ACL), cả năm đạt 855 tỷ đồng doanh thu, giảm 13,6%. Mặc dù vậy, lợi nhuận doanh nghiệp này bứt phá ngoạn mục khi đạt 12,3 tỷ đồng, tăng 146% so với 2013. Nguyên nhân là do giá vốn hàng bán và chi phí tài chính giảm.
Một đơn vị khác là Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Mã CK: ABT). Báo cáo tài chính quý IV/2014 của công ty cho biết, doanh thu cả năm đạt 450 tỷ đồng, giảm 17% so với 2013, nhưng lợi nhuận sau thuế 77,5 tỷ đồng, tăng 4,8%.
Ngoài các doanh nghiệp trên, một số đơn vị khác như Công ty cổ phần thương mại và vận tải Petrolimex Hà Nội (PJC), Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex (PGT) cũng có doanh thu giảm nhưng lãi cao, thậm chí có đơn vị còn thoát lỗ và tăng gấp hai lần so với cùng kỳ.
Đánh giá chung về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế độc lập Huy Nam cho hay, bức tranh kinh tế năm 2014 tương đối lạc quan, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn bị ảnh hưởng nhiều bởi sức mua trên thị trường. Đặc biệt, đối những đơn vị kinh doanh có doanh thu tăng, lợi nhuận giảm có thể do chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao.
Còn một số khác lãi bỗng dưng tăng vọt mà doanh thu trái chiều, có thể do hoạt động kinh doanh nhất thời của đơn vị gặp thuận lợi. Chẳng hạn như các công ty bất động sản, 3 quý đầu năm thị trường trầm lắng nhưng tới quý IV bất ngờ khởi sắc nên lợi nhuận nhanh chóng cải thiện. Tuy nhiên, kết quả trên có thể sẽ thay đổi sau khi kiểm toán soát xét lại.
Trường hợp doanh nghiệp trước đó lỗ nặng, nhưng nay lãi tăng tới vài lần so với cùng kỳ nhờ bán tài sản thì nhà đầu tư nên thận trọng vì lợi nhuận có được thiếu bền vững và thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa thực sự cải thiện.
Hồng Châu