Nghịch cảnh mía đường

Niên vụ sản xuất 2013-2014 từng được Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) miêu tả là vô cùng nan giải khi mà nghịch lý của ngành suốt nhiều năm qua vẫn tiếp diễn, thậm chí còn khó khăn hơn. Giá mía giảm, nguồn đường dư thừa, một số nhà máy tại Bình Định, Cà Mau… thiếu nợ, ngưng sản xuất không thu mua khiến người trồng mía tại địa phương lao đao, ngậm ngùi đốt bỏ hàng nghìn hecta vùng nguyên liệu.

Theo dự kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ 2014-2015 này, cả nước có khoảng 300.000 hecta mía, giảm 9.400 hecta so với vụ trước. Lúc này, hầu hết các nhà máy sản xuất đã vào vụ. Sản lượng đường trong tháng 1 đạt từ 250.000 đến 300.000 tấn. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ đường trong nước sẽ tăng cao nhưng do chính vụ nên tồn kho sẽ không giảm đáng kể.

mia-4162-1421893050.jpg

Mía của nông dân tại Cà Mau thu hoạch mà không được nhà máy tiêu thụ. Ảnh: Phúc Hưng

Trong khi đó, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Chính phủ cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất ưu đãi 0%. Theo giải trình của cơ quan này, hai nước đang trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại song phương, phía Lào đã đề nghị được ưu đãi hạn ngạch đường nhập vào Việt Nam.

Để giảm bớt thời gian và thủ tục, trước mắt hai bên đã thống nhất ký kết Hiệp định mua bán trao đổi hàng hóa tại khu vực biên giới nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan. Do mặt hàng đường là vấn đề mà Lào quan tâm nhất nên Bộ Công Thương cho rằng đây cũng là điều kiện để tiến tới ký Hiệp định thương mại song phương của hai bên dự kiến diễn ra trong tháng này.

Trao đổi với VnExpress, đại diện Bộ Công Thương cho biết từ năm 2011 đến nay Việt Nam và Lào đã tiến hành ký thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất nhập khẩu đối với hàng hóa của hai bên. Do đó về cơ bản hai nước đã áp dụng thuế suất 0% cho hầu hết mặt hàng. Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam cũng đã áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan  đối với mặt hàng thuốc lá (3.000 tấn) và gạo (70.000 tấn) từ Lào với thuế suất 0%. “Do vậy phía Lào cũng mong muốn Việt Nam áp dụng thêm ưu đãi hạn ngạch thuế quan đối mặt hàng đường của họ”, vị này cho biết.

Trước thông tin này, VSSA đã có công văn gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu số lượng đường nói trên. Đây cũng không phải là lần đầu tiên đại diện cộng đồng doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước lên tiếng phản đối việc nhập đường từ Lào. Trước đó, trong niên vụ 2013-2014, khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đề xuất Chính phủ được đưa 30.000 tấn đường ở Lào về Việt Nam để tạm nhập tái xuất, VSSA cũng từng phản ứng khá gay gắt.

Với đề xuất lần này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng trong 3 vụ sản xuất gần đây sản lượng đường trong nước đạt 1,5 – 1,6 triệu tấn mỗi vụ. Dự báo năm nay nếu tính cả tồn kho và nhập khẩu tổng nguồn cung đường cả nước là 2 triệu tấn. Trong khi đó, mức tiêu thụ cả năm chỉ khoảng 1,3 – 1,4 triệu tấn, khiến lượng đường dư thừa sẽ trên 600.000 tấn. Đây là nguyên nhân làm giá đường liên tục giảm kéo theo giá mía giảm sâu, dẫn đến tình trạng nông dân thua lỗ và phá bỏ mía.

Chia sẻ với VnExpress, ông Phạm Thành Long, Chủ tịch VSSA cho biết, quan điểm của VSSA là không cản nhập khẩu đường, nhưng cần trong hạn ngạch cho phép. “Thuế là trách nhiệm của các đơn vị muốn nhập khẩu, trong khi nhiều doanh nghiệp khác muốn nhập đường về Việt Nam chịu mức thuế tối thiểu là 5%. Nếu cho phép nhập khẩu 50.000 tấn đường với thuế suất ưu đãi 0% sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đơn vị”, ông nói.

Trong trường hợp cho phép nhập khẩu, VSSA đề nghị quản lý lượng đường trên theo thuế suất cam kết của AFTA và hiệp định song phương giữa hai quốc gia chứ không thể áp dụng mức thuế 0%.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 15/12/2014, tồn kho đường khoảng hơn 250.000 tấn, sức mua trong nước vẫn tiếp tục thấp. Vừa qua Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã thống nhất hạn ngạch nhập khẩu đường năm nay nay là 81.000 tấn. Song thay vì đấu thầu công khai thì cơ quan quản lý vẫn phân giao trực tiếp cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Vị chủ tịch hiệp hội lo ngại cứ duy trì cơ chế xin-cho sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các doanh nghiệp.

Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339