Món nợ 5 tỷ đồng sau 10 năm khởi nghiệp

Dưới đây là bài viết về câu chuyện thất bại sau 10 năm khởi nghiệp do anh Nguyễn Quang Cường – chủ doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa chia sẻ với bạn đọc VnExpress.

Tôi năm nay 28 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một làng nghề ngoại thành Hà Nội. Năm 2004, khi học hết lớp 12 tôi không thi đại học mà quyết định ở nhà làm kinh tế. Vì là người chăm chỉ chịu khó nên bố mẹ đã tin tưởng đầu tư cho tôi quản lý một xưởng sản xuất bao bì nhựa nhỏ.

Bạn khởi nghiệp thành công hoặc gặp khó khăn trong kinh doanh, hãy chia sẻ kinh nghiệm của mình tại đây hoặc email về kinhdoanh@vnexpress.net.

Kể từ đó tôi lao đầu vào công việc kinh doanh và bước đầu cũng gặt hái được những thành công nho nhỏ. Đến năm 2007, qua một số bạn hàng mách bảo nhu cầu về các sản phẩm ly nhựa dùng trong thực phẩm, mà cụ thể là các loại ly đựng thạch rau câu, tôi quyết định vay ngân hàng hơn một tỷ đồng để mua sắm thiết bị máy móc phục vụ cho việc sản xuất mặt hàng này.

Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm thẩm định chất lượng nên dây chuyền máy móc mà tôi nhập về gặp rất nhiều trục trặc phải sửa chữa thường xuyên. Trong năm đầu tiên ấy, cơ sở của tôi cũng không cho ra được sản phẩm nào.

Một năm sau đó, khi máy móc đã hoạt động ổn định cùng với sự nghiên cứu tìm tòi của tôi, cơ sở cũng đã cho ra được sản phẩm như ý. Đến năm 2009, do cơ sở sản xuất không kịp nhu cầu của khách hàng, tôi quyết định thành lập công ty.

Lúc này, tôi vay hai tỷ đồng từ ngân hàng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất. Diện tích nhà xưởng cũ, hẹp, không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất nên tôi phải thuê nơi mới tại một khu công nghiệp. Hoạt động sản xuất của công ty bắt đầu đi vào ổn định.

no-1-9323-1421460095.jpg

Vì nôn nóng làm giàu, anh Cường đang phải mang khoản lợ hơn 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đầu năm 2010, khi tình hình bất động sản nóng lên, cũng vì nôn nóng làm giàu, tôi đã quyết định tham gia vào lĩnh vực này. Tôi lấy khoảng một tỷ đồng nguồn thu từ sản xuất của công ty và vay thêm hai tỷ đồng vốn ngắn hạn của ngân hàng (với mục đính là làm vốn lưu động cho sản xuất) nhưng thực tế là dồn hết vào bất động sản.

Bước đầu cũng có sinh lời, nhưng đến đầu năm 2011, giá nhà đất bất ngờ lao dốc, cùng với đó trên truyền thông xuất hiện tin tức về các sản phẩm thạch rau câu có chất gây ung thư khiến khách hàng của tôi không đặt hàng nữa vì bán sản phẩm không được. Hai sự kiện xấu cùng đến một lúc mà tôi không biết giải quyết thế nào khiến công ty điêu đứng. Chỉ trong vòng một năm, công ty gần như rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng thì lên đỉnh điểm mà bất động sản lại đóng băng, một số dự án tôi mua nằm trong diện quy hoạch nên cuối cùng chỉ bán được duy nhất một mảnh đất khoảng 700 triệu đồng để chi trả tạm thời các khoản chi phí. Sau vài tháng cầm cự, rồi nhà xưởng cũng dừng hoạt động hoàn toàn khiến tôi rơi vào bế tắc vì không có một nguồn thu nhập nào để bù đắp vào các khoản chi phí hàng tháng cũng như trả lãi ngân hàng. Chỉ trong vòng một năm, toàn bộ vốn lưu động cũng mất sạch.

Đỉnh điểm của khó khăn là năm 2012, đứng nhìn toàn bộ máy móc nằm đắp chiếu không thể hoạt động trong khi tổng các khoản chi phí và lãi vay ngân hàng mỗi tháng lên trên 150 triệu đồng, tôi buộc phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để bù đắp những khoản thiếu hụt này khiến nợ chồng nợ lên đến 7 tỷ đồng. Lúc này tôi như quỵ ngã hoàn toàn.

Nhiều đêm liền tôi thức trắng suy nghĩ và cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ tới những gì mình sắp phải đối mặt phía trước. Trong khoảng thời gian 3 tháng liền, tôi sống thu mình và gần như không tiếp xúc với ai, chỉ ngồi ở nhà và than trách số phận.

Nhưng sau đó tôi đã tự ngẫm ra mình không thể gục ngã được. Và chỉ sau một đêm, mọi suy nghĩ của tôi dường như thay đổi hoàn toàn. Tôi lấy lại được sự bình tĩnh để đối mặt với thực tế. Tôi tiến hành lập kế hoạch khắc phục từng bước một. Đầu tiên, tôi thanh lý một số máy móc thiết bị cũ thu về khoảng một tỷ đồng, cộng với số tiền bố mẹ bán một mảnh đất của gia đình được một tỷ nữa, tôi gom đi trả một phần nợ và giữ lại 100 triệu để làm vốn.

Lúc này, khoản nợ của tôi còn lại khoảng 5 tỷ đồng. Tôi quyết định đến gặp tất cả các chủ nợ, bao gồm cả ngân hàng để xin ngừng trả lãi và xin được trả dần nợ gốc. Miệt mài thuyết phục cả tháng trời, cuối cùng các chủ nợ cũng đồng ý yêu cầu của tôi. Nhờ đó, áp lực bị đòi nợ bắt đầu giảm dần, tôi có thời gian để suy nghĩ tìm phương án gây dựng lại từ đầu.

Năm 2014, thị trường tiêu thụ thạch rau câu cũng đã ổn định lại nên khách hàng bắt đầu có nhu cầu đặt sản phẩm ly nhựa. Với số vốn ít ỏi tạm giữ lại khoảng 100 triệu ấy, cùng với một phần máy móc thiết bị cũ, tôi bắt tay vào khôi phục sản xuất bao bì nhựa. Nhưng với quy mô quá nhỏ, máy móc lại lỗi thời nên sản phẩm cũng khó cạnh tranh trên thị trường. Hiện giờ, sau một năm quay lại sản xuất, khoản lợi nhuận của công ty tôi cũng chỉ đủ đáp ứng chi tiêu cho gia đình 6 người và dư dôi ra số tiền không đáng kể. 

Mặc dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng điều may mắn là tôi vẫn giữ được uy tín với các mối quan hệ bạn hàng cũ. Nhiều người quen trong ngành cũng ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ và hợp tác nếu tôi có phương án kinh doanh tiềm năng.

Tôi biết chặng đường để vực dậy doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều chông gai phía trước, nhưng với sức trẻ, sự chững chạc hơn sau bao sóng gió, và nhất là sự động viên, chia sẻ của những người thân trong gia đình, tôi tin mình sẽ đủ động lực để vượt qua khó khăn và gây dựng lại sự nghiệp.

Hiện giờ, ngồi nhìn lại chặng đường 10 năm qua, tôi nhận thấy mình đã phạm phải quá nhiều sai lầm dẫn đến thất bại đau đớn. Tôi biết bản thân mình có nhiệt huyết của tuổi trẻ, khát khao làm giàu, nhưng chừng đó là không đủ để có thể dẫn đến thành công. Thời gian qua tôi chỉ là “một con ngựa non háu đá”, muốn thể hiện mình trong khi chưa có kinh nghiệm và sự tỉnh táo để giải quyết công việc khi vấp phải khó khăn.

Do đó, giờ đây tôi phải trả giá bằng việc gánh khoản nợ 5 tỷ đồng và nó là một cái giá quá đắt. Tuy nhiên, suy đi tính lại tôi không thấy tiếc nuối vì nhờ đó mà nó giúp tôi có bản lĩnh sống, có kinh nghiêm và sự chững chạc hơn để làm tiền đề cho công cuộc khởi nghiệp mới.

Qua câu chuyện của bản thân, tôi muốn khuyên các bạn một điều rằng, khi gặp khó khăn, hãy mạnh dạn đối mặt với nó, luôn giữ tỉnh táo và tìm cách giải quyết. Thực tế, nó không đáng sợ như những gì chúng ta đã tưởng tượng để rồi phải trốn tránh.

Nguyễn Quang Cường

Để lại một bình luận

0913.756.339