Mở cửa trong 3 tháng
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM dự kiến mở cửa đón khách tham quan, đóng góp ý kiến cho mô hình đầu máy, toa xe của tuyến metro số 1 kể từ tháng 3 và kéo dài trong 3 tháng. Sau đó các ý kiến sẽ được tổng hợp và đề xuất với hãng chế tạo Hitachi, là nhà thầu gói thầu số 3 “mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng” của tuyến metro đầu tiên này của TP.HCM.
Mô hình đầu máy toa xe của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) do Hãng Hitachi chế tạo được trưng bày tại khu vực Depot (Q.9), TP.HCM – Ảnh: Diệp Đức Minh |
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên tại khu vực Depot (Q.9), mô hình đầu máy toa xe có màu chủ đạo là xanh da trời và bạc. Bên trong toa tàu đầu tiên này có tất cả 8 cửa ra vào được bố trí đều ở 2 bên thành toa xe, mỗi bên 4 cửa. Trên toa có 45 chỗ ngồi ghế nhựa màu xanh được làm bằng vật liệu nhựa gia cường sợi thủy tinh và 127 móc nắm cùng tay vịn cho khách đứng. Trên toa tàu còn có vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (đi xe lăn).
Nhân viên hướng dẫn của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 1, đoàn tàu có 3 toa xe và sẽ tăng thêm số toa khi lượng khách đi tàu tăng lên. Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 930 hành khách. Đoàn tàu metro gồm toa có động cơ xen lẫn toa không động cơ chạy bằng điện. Tùy theo lượng hành khách đi lại vào giờ cao điểm mà tàu có từ 3 – 6 toa và chạy giãn cách khoảng 3 – 10 phút. Với vận tốc 40 km/giờ, đoạn Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7 km đi mất khoảng 30 phút.
Cần ý kiến chuyên gia hơn
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu – Đường – Cảng TP.HCM cho biết ông và các giáo sư, giảng viên của Trường ĐH GTVT TP.HCM sẽ tổ chức tham quan mô hình đầu máy toa xe này. Ông cho rằng TP nên tổ chức cho các chuyên gia, nhà khoa học, các giáo sư, giảng viên đại học chuyên ngành đến tham quan mô hình tàu điện và hội thảo góp ý ngay tại nơi tham quan. Nhà sản xuất – Công ty Hitachi (Nhật Bản) nên chuẩn bị thông tin, tài liệu cung cấp cho các chuyên gia để việc đóng góp ý kiến sẽ hiệu quả hơn.
Buồng lái |
Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty TNHH dã ngoại Lửa Việt, “nếu tổ chức cho người dân tham quan, góp ý về tàu điện cũng là điều tốt, nhưng tốt hơn là nên hỏi các nhà khoa học, nhóm chuyên gia cụ thể, có tranh luận, phản biện”. Với TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn thì: “Thực ra các toa tàu hiện nay đã có tiêu chuẩn quốc tế, mình nên theo tiêu chuẩn đó mà làm, chứ nếu làm gì thêm nữa sẽ tốn thêm tiền. Các hãng sản xuất toa tàu thường có các phương án 1, 2, 3… để lựa chọn, chứ không phải mình muốn làm kiểu gì thì làm. Nếu mình đặt hàng theo yêu cầu thì sẽ đội giá lên, điều đó không đáng”.
Cho rằng toa tàu của xứ ôn đới sẽ khác xứ nhiệt đới, các toa tàu ở nước ngoài phần nhiều đều sử dụng hệ thống điều hòa không khí, còn ở VN, ông Sơn đề nghị nên linh động, khi nào trời nóng thì sử dụng máy lạnh, còn những tháng không nóng thì nên mở thông thoáng tự nhiên để tiết kiệm điện. Ông nói khí hậu TP.HCM có 6 tháng nắng và 6 tháng mưa, cho nên tàu điện phải vừa chống nóng, vừa chống ẩm. Ghế ngồi chỉ nên làm bằng nhựa chứ đừng bọc nỉ như bên Trung Quốc trông sẽ lem nhem mỗi khi trời mưa. Sàn toa tàu cũng vậy, không nên trải thảm.
Bên trong mô hình đầu máy toa xe của tuyến metro số 1 |
Về việc đóng toa tàu, TS-KTS Sơn cho rằng hãy nên nghĩ đến một mẫu metro không chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước và hãy nghĩ đến một ngành công nghiệp metro cho VN. Ban đầu là mua toa tàu của nước ngoài, nhưng khi các TP của VN có các tuyến metro thì ngành công nghiệp metro VN sẽ phải đảm đương việc cung cấp phụ tùng, thiết bị cho các tuyến metro. Điều cần thiết nữa là các tuyến metro của TP cũng phải thống nhất về tiêu chuẩn, để có thể dùng chung được một số linh kiện.
Hành trình tuyến metro đầu tiên Tuyến metro đầu tiên này gồm đoạn đi ngầm dài 2,6 km và đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Tuyến bắt đầu từ ga số 1 (khu vực vòng xoay Quách Thị Trang trước chợ Bến Thành) đi ngầm dưới đường Lê Lợi gồm 2 tuyến đường hầm đơn chạy song song, từ ngã tư Lê Lợi – Pasteur chuyển sang chạy trùng tim (hầm trên, hầm dưới) đi qua bên hông Nhà hát TP, qua trụ sở Công ty điện lực Sài Gòn, theo đường Nguyễn Siêu, qua FAFILM đến khu vực Nhà máy Ba Son. Từ sau ga số 3 (ga Ba Son), tuyến chuyển từ đi ngầm sang đi trên cao. Đoạn này có 3 ga ngầm. Tuyến vượt đường Nguyễn Hữu Cảnh đi theo rạch Văn Thánh (bờ phía bắc), đi sát công viên Văn Thánh, vượt đường Điện Biên Phủ, vượt sông Sài Gòn tại khu vực nhà hàng Tân Cảng (cách 40 m về phía thượng lưu so với cầu Sài Gòn hiện hữu); sau đó đi tiếp trong hành lang phía bắc xa lộ Hà Nội vượt sông Rạch Chiếc (về phía thượng lưu so với cầu Rạch Chiếc hiện hữu); tiếp tục đi theo hành lang xe điện nằm trong hành lang phía bắc thuộc lộ giới xa lộ Hà Nội (xa lộ Hà Nội sẽ được giải tỏa theo đúng lộ giới quy hoạch). Đến khoảng Km 18+535 tuyến vượt sang phía nam xa lộ Hà Nội để vào ga số 14 (ga Bến xe Suối Tiên – Km 18+905), sau đó tuyến sẽ rẽ phải vào Depot Long Bình (Q.9), đoạn này có 11 ga trên cao. |