Người dân Nga đang phải đối mặt với một thực tế rất khắc nghiệt: suy giảm kinh tế. Đồng nội tệ mất giá, hàng hóa ngày càng đắt đỏ, còn đầu tư nước ngoài thì cạn kiệt. Giá dầu thấp cùng lệnh cấm vận của các nước phương Tây dường như càng bóp nghẹt thêm kinh tế Nga.
BBC đã có chuyến đi thực tế tìm hiểu về những tác động của việc này lên đời sống hàng ngày của người dân. Điểm đến của họ là Ryazan – thị trấn 1.000 năm tuổi từng bị xâm lược, phá hủy vì chiến tranh và biến động kinh tế trong nhiều năm qua.
Tại một siêu thị, cô giáo Yana Kindeyeva đang mua sắm cho cả tuần. Trong bối cảnh Nga cận kề suy thoái, cô phải đếm từng đồng từng cắc. “Giá cái gì cũng tăng, không chỉ nhu yếu phẩm mà cả những thứ vốn đã rất đắt đỏ như xe hơi, nội thất. Có lẽ năm nay chúng tôi sẽ đón năm mới tại nhà chứ không đi châu Âu nữa, vì chi phí du lịch cũng ngày một cao”, cô chia sẻ.
Người dân Nga đang phải đếm từng đồng khi chi tiêu. Ảnh: BBC |
Mẹ cô – Irina và bà nội cô – Larisa đã trải qua nhiều biến động kinh tế. Nên lúc này họ có lo ngại, có bận tâm nhưng không hề hoảng sợ. “Người Nga có câu: ‘Hy vọng không bao giờ chết’. Chúng tôi sống từng ngày với niềm tin rằng mọi thứ rồi sẽ ổn cả thôi”, Irina cho biết.
Tuy nhiên, khi được hỏi ai là người phải chịu trách nhiệm cho những khó khăn kinh tế hiện nay của nước Nga. Irina trả lời đó không phải Tổng thống Vladimir Putin, mà là quan chức địa phương. “Tổng thống không thể nào kiểm soát hết mọi thứ được. Tôi tin rằng vấn đề phải được giải quyết từ cấp địa phương rồi dần dần đi lên. Mọi người luôn tin tưởng vào tổng thống dù cuộc sống có khó khăn đến mấy”, bà nói.
Yana cũng nhận xét các lệnh trừng phạt của phương Tây chẳng liên quan gì đến xung đột ở Ukraina. “Tôi nghĩ các quốc gia khác ý thức được sức mạnh của nước Nga và dĩ nhiên họ muốn bằng cách nào đấy có thể hạn chế nó, để chúng tôi không thể mạnh thêm nữa. Đó là lý do họ đưa ra cấm vận. Chứ vấn đề không phải là Crimea. Chúng tôi chỉ lấy lại thứ đã từng là của mình mà thôi”.
Các cửa hàng mới mở cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: BBC |
Tuy nhiên, anh Zhenya – một doanh nhân trong thị trấn, lại không nghĩ như vậy. Anh đang rất lo lắng trước các động thái của phương Tây và thực trạng giá dầu liên tục giảm. Do đó, niềm tin vào chính quyền của anh cũng mất dần.
“Tôi không biết tương lai sẽ ra sao. Chẳng ai dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới”, Zhenya chia sẻ.
Chính phủ Nga từng tuyên bố giá dầu giảm xuống dưới 60 USD một thùng cũng không có gì đáng ngại. Nhưng Zhenya cho rằng: “Có lẽ với họ thì không nhưng với thường dân chúng tôi thì lại rất đáng lo đấy. Bởi thu nhập của mọi người sẽ giảm rất nhiều khi giá dầu đi xuống”.
Tại một con phố, doanh nhân trẻ Maxim Gordeyev vừa khai trương một cửa hàng cà phê. Maxim nhận thấy anh đã sai lầm khi mở cửa hàng mới vào thời điểm này. “Đây là giai đoạn khó khăn. Chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi biến động của đồng rouble, vì mọi nguyên liệu thô đều phải nhập từ Colombia. Và cũng vì đồng rouble đang mất giá, người ta không có nhiều tiền để tiêu. Có lẽ công việc kinh doanh của cửa hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin là dần dần mọi chuyện sẽ ổn”.
Người dân bày bán mọi thứ có thể để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: BBC |
Còn ở một khu chợ trời, khi nhiệt độ đang là -10 độ C, người dân vẫn cố gắng bán hàng. Những đôi dép lê cũ, khăn trải bàn, lọ sơn móng tay hay chiếc bàn là hơi đều được bày trên nền tuyết. Họ đang phải vật lộn để kiếm sống qua ngày. Một vài người đổ lỗi cho các nước phương Tây, nhưng Yevgenia thì không. Cô cảm nhận được nguyên nhân của vấn đề là ở phía mình.
“Ukraina đang làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của chúng tôi. Chính phủ gửi trợ cấp sang nước đó thì cũng tốt thôi. Nhưng chúng tôi cũng cần túi bột, cân đường chứ nhỉ. Nếu cuộc sống tốt đẹp, chúng tôi đã chẳng phải ra ngoài kiếm sống trong thời tiết này?”.
Thanh Tuyền