MHB và Vinafood 2 liên kết kinh doanh lúa gạo

Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ban lãnh đạo Vinafood 2 và hơn 30 đơn vị thành viên, ban lãnh đạo ngân hàng MHB và giám đốc các chi nhánh tại 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự hội nghị.

Để ổn định thị trường và bảo vệ quyền lợi của người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương đã thi hành nhiều biện pháp để điều hòa cung cầu, ổn định thị trường. Nhưng đó chỉ là những biện pháp tình thế mang tính cấp bách, nên cũng như mọi biện pháp hành chính khác, thường nảy sinh một số tiêu cực, và còn hạn chế hiệu quả. Điều đó cho thấy cần có sự thay đổi về chất lượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng, kinh doanh lúa gạo, mà trọng tâm là tạo ra được mối liên kết, liên thông đảm bảo lợi ích chính đáng của nông dân và các thành phần khác nhau trong quá trình từ sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ.

Ngân hàng MHB và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã ký kết hợp tác nhằm thúc đẩy, xây dựng liên kết giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngân hàng MHB và Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) ký kết hợp tác.

Những người nông dân trực tiếp sản xuất ra lúa gạo cần được đảm bảo nguồn thu nhập chính đáng, ổn định và phát huy liên kết tự nguyện đối với các dịch vụ cung ứng, thu mua trong sản xuất như trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”. Khác với trước đây, điều kiện kinh tế cho phòng trào hợp tác, liên kết ở nông thôn đã chín muồi và đang hình thành một cách tự phát.

Các hộ kinh doanh gia đình, công ty TNHH tư nhân kinh doanh lương thực là những đơn vị trực tiếp ảnh hưởng đến nhịp độ thu mua lúa gạo của nông dân, xuất phát từ nhịp độ xuất khẩu gạo của các công ty xuất nhập khẩu. Vì vậy, các đơn vị này cần phải được tổ chức lại thành các hội, nhóm để họ có một vị thế chính đáng trong các quan hệ mua bán thông qua những quy định và luật lệ về kinh doanh.và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực cần tập trung vào việc tìm kiếm thị trường, đối tác xuất khẩu bên ngoài. Nếu việc xuất khẩu gặp khó khăn hay giá thành thấp sẽ không đủ điều kiện lưu thông dòng lúa gạo một cách trơn tru trong toàn bộ cơ cấu thị trường. Thông qua hợp đồng kinh tế của các đơn vị thành viên Vinafood 2 với các thành phần khác trong chuỗi sản xuất, cung ứng là lưu thông, kinh doanh lúa gạo là nòng cốt để tổ chức theo trật tự thị trường về giá cả, chất lượng và định hướng của Chính phủ.

Ngân hàng MHB và Vinafood 2 đã quyết định triển khai chương trình hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy xây dựng mối liên kết giữa các thành phần (nông dân, hộ gia đình, công ty TNHH, các công ty thành viên Vinafood 2…) tham gia trong chuỗi sản xuất, cung ứng và kinh doanh lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động xuất phát từ: kinh nghiệm, thực tiễn sản xuất và tiêu thụ lúa gạo tại vùng; căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của hai bên được chính phủ giao trong việc phát triển kinh tế – xã hội khu vực đồng bằng sông Cửu Long; căn cứ vào chương trình liên kết giữa các thành phần của công ty thông qua phương án liên kết giữa các đơn vị thành viên với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong chuỗi sản xuất, thu mua, cung ứng và kinh doanh lúa gạo. Trọng tâm của sự liên kết này là bảo vệ lợi ích chính đáng và tạo điều kiện liên kết của nông dân và các thành phần khác nhau trong quá trình từ sản xuất, cung ứng dịch vụ đến lưu thông, tiêu thụ lúa.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng MHB cho biết, tham gia chương trình liên kết, người nông dân sản xuất lúa gạo trong khu vực sẽ được đảm bảo đầu ra ổn định và có lợi nhuận. Các hộ gia đình, công ty TNHH thu mua sẽ được đảm bảo tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (nếu có) một cách thuận tiện và an toàn. Song song đó, giá thành của hạt gạo xuất khẩu sẽ được giảm do tiết kiệm được các chi phí trung gian, góp phần điều tiết giá thị trường lúa gạo theo chủ trương của Chính phủ.

Trong những năm qua, ngân hàng TMCP phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long luôn là đơn vị thực hiện tích cực các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đối với các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn tại các tỉnh. Hiện tại, dư nợ về cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long của ngân hàng MHB chiếm 68% tổng dư nợ. Ngân hàng MHB cũng đang tích cực triển khai gói ưu đãi tín dụng 13.000 tỷ ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp và phát triển cơ sở hạ tầng tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

(Nguồn: MHB)

Để lại một bình luận

0913.756.339