Xin chuyển đổi công năng, tái khởi động dự án bằng nguồn dinh dưỡng của nhà băng, là cách “tự cứu mình” phổ biến của DN. Bên cạnh đó, phải nhắc tới nhiều thương vụ M&A điển hình để thoát thế chân tường của không ít chủ đầu tư dự án trong suốt 12 tháng qua.
Phía Nam gọi tên Novaland
Nằm trong những đơn vị có tốc độ phát triển và lợi nhuận kinh doanh đáng nể ở khu vực phía Nam, Tập đoàn của ông chủ Phan Thành Huy đã khởi động năm Giáp Ngọ bằng 2 thương vụ thâu tóm ngay đầu năm.
Cụ thể, ngày 23/2, Novaland công bố hợp tác đầu tư 2 dự án Icon 56 và Galaxy 9 (đều ở quận 4, Tp.HCM) dưới hình thức chủ đầu tư góp quỹ đất còn Novaland rót thêm vốn để xây dựng và khai thác sản phẩm.
Trước đó, là việc đơn vị này mua lại dự án Lexington với khoảng 1.300 căn hộ. Sự kiện này được đánh dấu bởi lời phát ngôn mang tính định hướng kinh doanh của DN: “Các dự án chúng tôi liên kết đều hoàn tất pháp lý, đã triển khai xây dựng, rút ngắn thời gian đầu tư và giảm chi phí vốn”.
Danh sách “hàng thu gom” của Novaland tới thời điểm cuối tháng 12/2014 đã ngót chục cái tên. Tiêu biểu có: The Sun Avenue quận 2; River Gate 151 (nguyên là khu đất thuộc dự án Cao ốc văn phòng trung tâm thương mại và căn hộ của Tập đoàn Truyền thông Thanh niên), The Tresor (quận 4); Lucky Palace Phan Văn Khỏe (quận 6); Orchard Garden Hồng Hà, Garden Gate Hoàng Minh Giám (quận Phú Nhuận)… Tổng giá trị chuyển nhượng của các dự án này ước tính 10.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, kế hoạch bán hàng của Novaland đã đúng như kỳ vọng của DN. Hết 6 tháng đầu năm, Novaland khẳng định đã bán được hơn 1.000 căn hộ và “mục tiêu trong năm 2014 là Novaland phải bán được 3.000 căn” (trích lời ông Huy). Tới 26/12, đơn vị thống kê có hơn 3.000 sản phẩm được giao dịch thành công.
Vingroup vẫn không “bỏ sót” bất cứ cơ hội nào từ những dự án, khu đất đẹp ở Thủ đô
Thành công này vượt xa tưởng tượng của giới nhà đất phía Nam. Bởi chuyên xây nhà giá rẻ như Địa ốc Nam Long thì cũng chỉ bán được chừng 700 căn trong 6 tháng. “Săn” và “thầu lại” dự án trung cấp mà bán thành công 1.000 căn trong 6 tháng thì đúng là hiện tượng.
Đầu thị trường phía Nam còn ghi nhận sự nhập cuộc M&A dự án của một vài tên tuổi khác. Đơn cử, cuối tháng 4/2014, Đất Xanh hoàn tất thương vụ mua lại dự án Water Garden (quận Thủ Đức) của công ty CP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương PPI với giá cực hời (khoảng 80 tỷ đồng so với 280 tỷ đồng mà PPI rao bán).
Mới nhất, Đất Xanh dự kiến chi 120 tỷ đồng mua dự án chung cư phường Tân Thuận, quận 7 với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Có tin là “Người khổng lồ” Him Lam cũng vừa bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại một dự án ở quận Thủ Đức và một dự án khác ở quận 2…
Cuộc đua song mã ở đất Bắc
Hiện tại, thị trường phía Bắc đang trở nên chật hẹp với bàn tay của đại tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Dẫu liên tục mở rộng đầu tư trên địa bàn cả nước lẫn vươn ra ngoài trường quốc tế, Vingroup vẫn không “bỏ sót” bất cứ cơ hội nào từ những dự án, khu đất đẹp ở Thủ đô. Đánh giá trên phương diện M&A, Vingroup không có đối thủ trong cung cách “chọn mặt gửi vàng” giữa cả rừng dự án đang nằm thoi thóp. Thành quả từ TimesCity, RoyalCity, VinHomes Long Biên… chưa “hái” hết, Tập đoàn này đã mau mắn “sưu tập” thêm một vài dự án siêu khủng (cả về quy mô đất lẫn vị trí đắc địa).
Trước hết, phải kể tới thương vụ thâu tóm dự án Thành Phố Xanh (ở Mỹ Đình 1) thông qua phương thức mua 99% cổ phần công ty CP BĐS Hồng Ngân – chủ đầu tư. Tiếp tục, là bản hợp đồng “ôm gọn” chuỗi bán lẻ Oceanmart và đổi tên thành Vinmart khi mua lại cổ phần Ocean Retail.
Ngoài ra, còn đủ các dự án thương mại (cả nhà ở lẫn chuỗi bán lẻ) danh tiếng khác rơi vào tay Vingroup: Vincom Retail (công ty con của Vingroup) ký hợp đồng nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của công ty CP Trung tâm Văn hóa Thể thao Giải trí Hà Nội (Hanoi Starbowl) ở 2B Phạm Ngọc Thạch vào tháng 6; mua lại chuỗi 79 Market từ Công ty CP Alphanam với tổng diện tích gần 1.000m2 ở 47 Vũ Trọng Phụng.
Một trường hợp thể hiện cái nhìn chiến lược của Vingroup là dự án Viettronics Đống Đa (56 Nguyễn Chí Thanh). Quý III/2011, Vincom đã thực hiện chuyển nhượng 83% cổ phần nắm giữ tại Bất động sản Viettronics Vincom (pháp nhân chủ đầu tư dự án – công ty con của Vincom) cho công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh thái.
Tới tháng 10/2014, công ty CP Vincom công bố thực hiện góp vốn thành lập công ty TNHH Bất động sản Viettronics Đống Đa để xây dựng dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – Văn phòng – Căn hộ cao cấp 56 Nguyễn Chí Thanh. Quyết định của Vingroup được đưa ra trong bối cảnh thị trường căn hộ cao cấp ở nội đô dự báo sẽ khan hàng do yếu tố tác động gián tiếp từ chính sách quy hoạch.
Mới nổi như FLC, rõ ràng khó có thể… đua cùng Vingroup, đặc biệt trong hoạt động mua bán chuyển nhượng dự án. Tuy vậy, cùng với liên tiếp động thái tăng vốn, ký kết tín dụng với các quỹ đầu tư ngoại, FLC của “người hùng” Trịnh Văn Quyết đã nhanh chóng khẳng định tham vọng và thực lực của mình bằng vài thương vụ “bom tấn”.
Tạm liệt kê, sau mua lại Alaska Garden City (Đại Mỗ, Từ Liêm) vào cuối 2013, giữa năm 2014, FLC bất ngờ bỏ ra 198 tỷ để chiếm quyền đầu tư khu đất 5.000m2 ở 36 Phạm Hùng từ Hải Phát. Gần nhất, Lavender (Hà Đông) cũng rơi vào tay FLC trong ngỡ ngàng của giới hành nghề BĐS Thủ đô…
Nguyễn Cảnh (Thời báo kinh doanh)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.