Lãng phí như… Bảo tàng Hà Nội

Bảo tàng Hà Nội xây dựng trên khu đất rộng gần 54.000 m2, nhìn ra đại lộ Thăng Long, với tổng kinh phí 2.300 tỷ đồng… Sau những ngày người dân háo hức đến để được tận mắt chiêm ngưỡng công trình “ngốn” kinh phí nghìn tỷ giờ đây chẳng ai còn muốn đến.

Bảo tàng Hà Nội vắng vẻ đìu hiu. Ảnh: Lê Xuân

Đìu hiu

Đến thăm bảo tàng Hà Nội vào một ngày nắng đẹp, nhưng suốt cả buổi sáng loanh quanh khắp bảo tàng, cũng chỉ bắt gặp một đoàn gồm 2 khách du lịch là người Hàn Quốc và lác đác 1 – 2 khách khác đến tham quan.

Anh Nguyễn Ngọc Nam, nhân viên bảo vệ ở đây cho biết: “Ngày thường chỉ có lác đác vài khách. Cuối tuần mới có đoàn khách nước ngoài và các đoàn học sinh vào tham quan. Trước đây, người tham quan có thể viết cảm nghĩ của mình và có những ý kiến đóng góp cho bảo tàng vào sổ cảm tưởng, nhưng hiện tại bây giờ thì không có cả sổ ghi cảm tưởng cho người tham quan”.

Bác Hoàng Văn Cương, 68 tuổi, là cán bộ nghỉ hưu, đang tham quan, chia sẻ: “Từ khi dư luận sôi nổi bàn về công trình đồ sộ này, hôm nay tôi mới quay lại đây tham quan. Nhưng không nghĩ là bảo tàng lại vắng vẻ thế này. Người Hà Nội rất tự hào là mảnh đất có bề dầy lịch sử và nhiều “đặc sản”, thế mà nơi lưu giữ những kỷ vật về Hà Nội lại buồn tẻ như thế này thì thất vọng quá!”

Bác Cương cũng băn khoăn vì mục đích muốn đến bảo tàng để tìm lại những kỷ niệm về Hà Nội xưa, cũng rất trân trọng khi thấy có rất nhiều hiện vật quý được trưng bày, nhưng có một số hiện vật lại không có chú thích rõ ràng, nên khi xem thì không biết đó là hiện vật gì và thuộc niên đại nào…

Chờ đến bao giờ?

Dù đã khánh thành hơn 4 năm qua, nhưng đến nay bảo tàng vẫn chưa có trang web thông tin. Hỏi một nhân viên của bảo tàng thì nhận được câu trả lời là do bảo tàng vẫn đang trong thời kỳ hoàn thành dự án trưng bày, nên chưa bán vé vào cửa, cũng chưa có điều kiện để thành lập trang web quảng bá.

Theo một chuyên gia bảo tàng (xin giấu tên), 4 năm với nguồn kinh phí đồ sộ như vậy thì không thể nói là chưa làm được. Trên danh nghĩa là bảo tàng đã đi vào hoạt động, nhưng vẫn như một cái nhà “rỗng” khi “của cải” bên trong là hiện vật còn rất nghèo nàn. Điều quan trọng là hiện nay dự án này không huy động được những chuyên gia có năng lực để triển khai, tuy trên thực tế có rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia có thể làm tốt. Mỏng chuyên gia, quy trình lại không hợp lý nên mới dẫn đến tình trạng bất hợp lý và lãng phí lớn như hiện nay.

Cũng theo chuyên gia này, bảo tàng là của Hà Nội nhưng kiến trúc của bảo tàng lại xa lạ với chính người Hà Nội, điều này cũng khó tạo được sự gần gũi, thiện cảm với người dân.

“Hệ thống đèn điện chiếu sáng khắp 4 tầng trưng bày, trong khi chỉ lèo tèo vài người đến thăm, thì chỉ nói riêng tiền điện thôi, đã lãng phí rồi, chưa nói đến các hiện vật chỉ giống như đang được cất trong kho, vì không có ai đến xem”, một khách tham quan cho biết.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Bảo tàng Hà Nội hiện chỉ có vỏ mà không có ruột khi có cả cái nhà đồ sộ để trưng bày nhưng lại thiếu chương trình sưu tập hiện vật từ trước đó, nhiều hiện vật trưng bày ở bảo tàng chỉ là sự tập hợp từ các cá nhân, doanh nghiệp, giống như gian trưng bày đồ cổ và phân loại ra.

Một bảo tàng đồ sộ đã cắt băng để kỷ niệm sự kiện Thăng Long- Hà Nội nghìn năm tuổi từ tháng 10/2010, nhưng đã hơn 4 năm qua đi mà công trình vẫn “ngủ im”. Không biết người dân còn phải chờ bao lâu để có thể được tận hưởng một công trình bảo tàng “hoành tráng” nhất cả nước cho thỏa những mong chờ?

Tạ Nguyên – Lê Xuân (Tin tức)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339