Làng chuối khô trăm tuổi Cà Mau kiếm bộn vụ Tết

Cũng như người dân ở các làng nghề truyền thống của tỉnh Cà Mau, làng chuối khô miệt vườn ở các xóm Cơi Ba, So Le, Kiểu Mẫu (huyện Trần Văn Thời) những ngày này đang tất bật chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thương lái dịp Tết.

Ông Phạm Văn Quây (66 tuổi) ngụ ấp 10 C, xã Trần Hợi cho biết, làng nghề này có bề dài lịch sử đã ngót hơn trăm năm. “Vào khoảng tháng 10 và 11 âm lịch hằng năm, các cơ sở sản xuất lại đổ đi khắp nơi trong tỉnh thu mua chuối nguyên liệu để sản xuất. Chúng tôi phải làm đêm, làm ngày mới đủ hàng bán”, ông Quây nói.

chuoi-kho-final.jpg

Để miếng chuối thành phẩm có màu vàng thì khâu phơi chuối là yếu tố quan trọng.

Do nhu cầu cần nguồn nguyên liệu lớn để sản xuất dịp Tết, giá chuối tươi cũng đã bắt đầu tăng 2.000-3.000 đồng mỗi nải. “Nhà nào làm ít cũng phải được 1,5 tấn chuối, thu lãi trên 15 triệu đồng. Cá biệt có cơ sở sản xuất lớn, số lượng chuối khô bán ra trong mùa lên đến gần chục tấn, tiền lời cả trăm triệu”, anh Phạm Văn Phước cho biết.

Còn ông Thái Văn Hòa tính nhẩm, một chục chuối tươi hiện tại có giá 40.000 đồng (14 nải), sau khi chế biến thành chuối ép được khoảng hơn 7 kg. Với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng một kg (tùy loại) như hiện tại, mùa Tết này gia đình ông thu về gần 25 triệu đồng tiền lãi.

Để miếng chuối khô có màu vàng nhìn bắt mắt, chuối nhất thiết phải phơi nắng trước khi ép, giúp trái chuối hết độ trơn khi đưa vào nòng ép và  cho ra miếng chuối tròn trịa. “Khi ép còn đòi hỏi người thợ đứng ở vị trí nào, dùng lực bao nhiêu…”, anh Phước tiết lộ bí quyết.

Ngoài ra, nghề ép chuối khô phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nếu như gặp nắng tốt chỉ cần phơi một ngày là sản phẩm có màu đẹp. Còn nếu như gặp phải thời tiết xấu, chuối bị ngả màu, coi như hỏng cả mẻ.

Ông Nguyễn Văn Sẳn, Trưởng ban nhân dân ấp 10 C, xã Trần Hợi cho biết, nghề ép chuối khô không cần phải cầu kỳ, tốn nhiều chi phí như các nghề khác nên ngày càng có nhiều người tham gia sản xuất. Cứ vào mùa ép chuối khô hàng năm là các thương lái từ Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp tìm xuống tận nhà người dân để đặt hàng. Do cung thấp hơn cầu nên để thu mua được nhiều, các thương lái phải cạnh tranh nhau về mặt giá cả. Người nào đưa ra giá cao hơn thì người dân sẽ bán.

Phúc Hưng

Để lại một bình luận

0913.756.339