Theo số liệu được Cơ quan Thống kê Liên bang Nga công bố hôm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nước này đã tăng 10,4% năm nay, tính đến hết ngày 22/12. Còn trong tuần gần nhất, số liệu này tăng 0,9%, mạnh nhất từ tháng 4/2008.
Rouble là đồng tiền tệ nhất thế giới trong 3 tháng gần đây. Nội tệ rơi tự do đã khiến giá hàng nhập khẩu tăng vọt. Giá cả tăng, cùng ảnh hưởng từ các lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây của Tổng thống Nga – Vladimir Putin, đã khiến Ngân hàng trung ương Nga trước đó phải nâng dự đoán lạm phát lên 10,1%.
Lạm phát Nga đã lên trên 10% năm nay. Ảnh: Korea Herald |
Ông Dmitry Polevoy – kinh tế trưởng khu vực Nga và các nước khối Thịnh vượng chung tại ING Groep cho biết CPI tăng là việc hoàn toàn dễ hiểu. Các công ty đang muốn nói rằng “tất cả mọi người đều tăng giá nên chúng tôi cũng vậy, đặc biệt khi người ta đổ xô mua không chỉ hàng điện máy mà còn nhu yếu phẩm hàng ngày nữa”, ông lý giải trên Business Week.
Theo một khảo sát của Ngân hàng trung ương Nga tuần trước, lạm phát năm tới có thể lên 11,5% trong quý đầu, sau đó mới giảm tốc. Các nhà hoạch định chính sách đã phải hoãn mục tiêu lạm phát 4% cho đến cuối năm 2017, sau khi không thể đạt được trong hơn 2 năm qua. Tiêu dùng có thể co lại 6,3-6,5% năm tới, trong khi đầu tư vào tài sản cố định giảm 10,1-10,3%, theo kịch bản bi quan của Ngân hàng trung ương.
“Việc này rõ ràng là tín hiệu tiêu cực với nền kinh tế, do lạm phát tăng tốc sẽ đánh mạnh vào nhu cầu tiêu dùng trong quý đầu. Các chính sách can thiệp sẽ có tác dụng khá hạn chế, do Nga đã nâng lãi suất cơ bản thêm 6,5% tuần trước rồi”, Vladimir Osakovskiy – kinh tế trưởng tại Bank of America cho biết.
Hà Thu