* Được biết ông là một trong những người tham gia thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng TP.HCM đến năm 2025, với trọng tâm là tạo hành lang phát triển cho thành phố. Nếu đồ án này sớm thành hiện thực, thì nó sẽ giúp ích như thế nào về bảo tồn và phát triển đô thị, cũng như khả năng giảm “áp lực chen chúc” vào khu vực trung tâm TP.HCM?
– Khi ta nói “Sài Gòn – Hòn ngọn Viễn Đông” là chỉ cái thời quy hoạch cho 500 ngàn dân, Sài Gòn trước 1975 đã là 3 triệu rưỡi, còn đến nay TP.HCM trên 10 triệu dân, một siêu đô thị (megacity), việc tái thiết và tái quy hoạch là điều đương nhiên. Vấn đề chính vẫn là làm sao cho khoa học, hợp lý, để người dân và chính quyền có thể hiểu nhau, cùng nhau thực hiện.
Ngày trước, muốn mua gì phải vào trung tâm, còn bây giờ, những điều ấy đã thay đổi mạnh, việc đi xuyên thành phố để mua sắm, làm việc, học tập cũng cần thay đổi theo. Dự án mà bạn vừa hỏi nhắm đến việc làm giãn mật độ ở, mật độ làm việc, trường học, bệnh viện, các dịch vụ công… vào trung tâm, như vậy sẽ giảm được nhiều áp lực lên bảo tồn, phát triển. Ý tưởng này đã có từ đầu thập niên 1990, lúc ấy thành phố muốn vươn ra Thủ Thiêm, nhưng do thiếu tiền, thế là nhiều công trình lại mọc lên ở trung tâm để đáp ứng nhu cầu trước mắt, trong số có nhiều công trình thiếu sự hợp lý, ví dụ như tòa nhà Metropolitan ở đầu đường Đồng Khởi, trước nhà thờ Đức Bà; tòa nhà Indochina ở ngã ba Lê Quý Đôn – Nguyễn Thị Minh Khai, nhìn ra hông của Dinh Thống Nhất…
Khi đường vành đai, tuyến tránh phát triển toàn diện thì thành phố sẽ được giảm áp lực, như vậy việc bảo tồn và phát triển mới bền vững hơn. Sự chia sẻ của người dân là có thật, điều này có thể thấy rõ qua việc chọn đại lộ Võ Văn Kiệt để đi, giúp giảm tải cho trung tâm. Sở dĩ tuyến này làm khá nhanh vì yếu tố tự nhiên đặc biệt, chạy dọc bờ sông, trong khi tuyến xuyên Bắc – Nam (đường CMT8) thì làm không nổi vì giải tỏa khó, nếu làm sẽ rất chậm chạp. Nhìn ở tầm rộng thì việc đầu tư làm tuyến xuyên Bắc – Nam là quá tốn kém, số tiền này có thể làm được vài tuyến tránh khác, thành tựu sẽ rõ ràng và nhanh hơn.
* Hai ví dụ mà ông đưa ra chắc chưa phải là tất cả và chưa hẳn là điển hình của những trường hợp xây dựng bất hợp lý, thậm chí phản cảm tại TP.HCM?
– Những công trình bất hợp lý và phản cảm là rất nhiều, cảm giác của người dân về sự phản cảm cũng đúng, nhưng theo tôi biết thì đó không phải là chủ trương chung của thành phố. Khi cho phép xây dựng những công trình đó, thẳng thắn mà nhìn nhận thì thành phố chưa có đủ công cụ kiểm soát, chế tài pháp lý để phản bác, trong khi nhu cầu xây dựng phát triển mạnh mẽ, thành ra lúng túng. Hiện nay, thành phố đã tương đối hoàn chỉnh về công cụ và chế tài, việc cho phép hay không cho phép đã bắt đầu khoa học, nên những công trình như tòa nhà Eden đã được thành phố cân nhắc kỹ, thành ra hợp lý, đẹp mắt hơn.
Hiện nay, thành phố đang có chương trình hành động để phân tích, đánh giá, phân loại các công trình (trong đó có biệt thự), nhưng đó mới là từ phía cơ quan quản lý, vấn đề là ý thức người dân và nhu cầu của họ cũng rất quan trọng. Hội An làm rất tốt vì người dân nhiệt tình tham gia, họ nhìn thấy nhu cầu và quyền lợi của mình, bởi thành phố đẹp thì nhà của họ cũng đẹp lên. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh vị kỷ thì Hội An thuận lợi hơn, vì quy mô nhỏ, còn TP.HCM không thể làm đại trà được, vì quá lớn, nên chỉ còn hy vọng sẽ có nhiều “tiểu Hội An” giữa lòng siêu đô thị. Khu biệt thự quận 3, khu phố cổ quận 5, khu Phú Mỹ Hưng…, có thể là những ví dụ về “tiểu Hội An” tại TP.HCM. Người dân thường có nhu cầu chung, theo xu hướng cộng đồng, nếu cộng đồng làm tốt thì họ sẽ làm theo.
* Còn công tác tiến hành thẩm định đâu là các công trình cần bảo tồn tại TP.HCM đã diễn ra toàn diện chưa?
– Ý thức bảo vệ và công tác bảo tồn đã bắt đầu từ đầu thập niên 1990, khi TP.HCM thật sự hội nhập và phát triển. Mấy năm gần đây còn có ban chỉ đạo bảo tồn để tiến hành rà soát, cố vấn, tư vấn việc đập bỏ để xây mới, dù thực tế không hề đơn giản, dễ dàng. Với các di tích đã được công nhận thì việc bảo vệ hoàn toàn theo luật di sản và các chế tài khác, tương đối dễ. Với những công trình không phải là di tích, nhưng đã có tính biểu trưng, có bóng dáng đặc biệt thì cần phải cân nhắc rất nhiều, cái gì cần giữ nguyên trạng, cái gì cho sửa chữa, xây mới…
Nhiều khi nghèo là bạn của di sản, còn giàu là kẻ thù, bởi trong sự phát triển, thay đổi và xây dựng mới là điều khó tránh khỏi. Những công trình không thuộc sở hữu của thành phố thì dễ bị tác động mạnh, vì tư nhân người ta có nhu cầu và cách nghĩ khác. Ví dụ như các biệt thự xây dựng sau năm 1975 tại ngã ba Phan Kế Bính – Nguyễn Đình Chiểu rất đẹp, nhưng do nhu cầu phát triển, họ đã đập bỏ. Rồi hệ thống 1.000 biệt thự cũ mới cũng phải cân nhắc rất kỹ trong việc sửa chữa và xây mới, dù nó không thuộc hệ thống di sản cần được bảo tồn.
Qua các cơ quan chuyên trách, thành phố phải làm sao để có những tư vấn, chính sách phù hợp, chứ không thể để xây dựng loạn xạ như đường Phạm Ngọc Thạch, thành ra mất mỹ quan chung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan riêng. Bởi ai cũng muốn có công trình đẹp, nhưng không hài hòa trong khu phố với nhau, thành ra bị kéo nhau cùng xấu.
* Nghe nói các công trình có “tính biểu trưng, có bóng dáng đặc biệt” như UBND, chợ Bến Thành… cũng sẽ bị đập bỏ để nhường chỗ cho hệ thống tàu điện ngầm đang xây dựng. Điều này có đúng không?
– UBND sẽ được cải tạo chứ không bị đập bỏ, thành phố đang có ý định mở cửa tòa nhà chính để tham quan, làm không gian trưng bày, triển lãm… để chính quyền và nhân dân gần nhau hơn. Còn khuôn viên phía sau thì cho mở cuộc thi thiết kế quốc tế để tìm ra công trình phù hợp rồi xây dựng thành trụ sở hiện đại, hiệu quả.
Khi tàu điện ngầm vào trung tâm thì phải có chỗ để trồi lên, một cửa của nó gần bùng binh Quách Thị Trang, nên sẽ ảnh hưởng đến xung quanh rất nhiều. Chợ Bến Thành tuy đơn giản về mặt kiến trúc, nhưng do nằm ở vị trí tốt, người dân dễ can dự vào, nên tính biểu trưng rất cao. Chắc chắn mối quan hệ giữa cái cũ (chợ Bến Thành) và cái mới (tàu điện ngầm) sẽ là ví dụ điển hình về bảo tồn và thay đổi của thành phố năng động, rất cần cân nhắc để cả hai cùng “có lợi”.
Khi có tàu điện ngầm thì thành phố sẽ có nhiều phố đi bộ, nên đường Nguyễn Huệ ra bờ sông, đoạn đi qua UBND… đang trở thành không gian đi bộ thí điểm. Đi bộ sẽ làm người dân dễ giao tiếp, cởi mở hơn. Đi bộ cũng sẽ tác động đến không gian đô thị và kiến trúc của thành phố.
* Có vài ý kiến cho rằng Sài Gòn – TP.HCM còn trẻ, nên không cần quá “nệ cổ” như cố đô Huế, phố cổ Hội An…, ông có nghĩ vậy không?
– Có những thứ mới hình thành ngày hôm qua thôi, nhưng nếu có giá trị thì đã là di sản rồi, nên không thể nhận xét về Sài Gòn – TP.HCM đơn giản như vậy được.
Văn Bảy (Thể thao & Văn hóa)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.