Kinh tế Nga không khó khăn hơn nếu châu Âu tăng trừng phạt

Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang cân nhắc thắt chặt các lệnh trừng phạt lên Nga về công nghệ, năng lượng, quốc phòng và ngân hàng khi xung đột tại miền đông Ukraine ngày càng đáng lo ngại. Ngày 24/1, 30 người đã thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương khi một quả rocket nã vào thành phố cảng Mariupol. Giới quan sát quốc tế cho rằng quả tên lửa này được phóng đi từ vùng đất phe ly khai đang kiểm soát.

Trong một thông báo hôm nay, EU cho biết họ nhận thấy “các dấu hiệu Nga vẫn tiếp tục hỗ trợ lực lượng ly khai” tại miền đông Ukraine và việc này “càng nhấn mạnh trách nhiệm của Nga” ở đây. Ngày mai, các Bộ trưởng Ngoại giao EU sẽ họp tại Brussels (Bỉ). Họ có thể công bố danh sách mở rộng các cá nhân Nga cũng như lãnh đạo phe ly khai bị cấm cấp visa và phong tỏa tài sản.

putin-5820-1422435102.jpg

Nga có thể phải chịu vòng trừng phạt mới công bố vào ngày mai. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của EU sẽ không thể thay đổi được tình hình. Carsten Nickel – Phó chủ tịch Teneo Intelligence (Đức) cho biết trên Bloomberg: “Nếu anh muốn gây ảnh hưởng lên nền kinh tế Nga, anh sẽ cần phải tăng các lệnh trừng phạt lên đáng kể. Nhưng sẽ chẳng có ai sẵn sàng làm thế đâu”.

EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và các công ty châu Âu cũng đang chịu tác động ngược từ các lệnh trừng phạt áp lên Nga từ hè năm ngoái. Vì vậy, thuyết phục cả 29 thành viên EU đồng ý nâng trừng phạt lên Nga là cực kỳ khó khăn. Đặc biệt nếu xét đến tình hình kinh tế khó khăn hiện tại của chính châu Âu.

Trên thực tế, chính quyền mới đắc cử tại Hy Lạp hôm nay đã phản đối kế hoạch trừng phạt ngày mai và cho biết họ còn không được hỏi ý kiến. Việc này sẽ càng gây khó khăn hơn cho kế hoạch, do nó cần được EU thống nhất phê duyệt. Mỹ dĩ nhiên không phải chịu tình cảnh tiến thoái lưỡng nan này, và họ cũng chẳng phải đối tác thương mại lớn của Nga.

Người Nga biết rất rõ điều này. Trên thực tế, các cuộc tấn công tại miền đông Ukraine hiện tại dường như đang tận dụng tình hình này. Nếu phe ly khai củng cố được vị trí hiện tại, họ sau đó có thể thỏa thuận ngừng bắn và giữ lại các vùng lãnh thổ đã chiếm được. Khi ấy, cuộc chiến sẽ dần lắng xuống. Đến giữa mùa hè, khi Mỹ và EU phải quyết định liệu có nên kéo dài các lệnh trừng phạt đang áp lên Nga, mọi thứ đã yên ắng được vài tháng rồi. Và khi đó, việc đàm phán nới lỏng hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sẽ dễ dàng hơn nhiều. “Đây là chiến lược khá khôn ngoan”, Nickel cho biết.

Một khó khăn khác với phương Tây là các lệnh trừng phạt có thể giúp Tổng thống Nga – Vladimir Putin nhiều hơn là làm hại. Do nó sẽ giúp củng cố hình ảnh “người bị hại” của ông Putin khi kinh tế Nga đi xuống. Đó là ý kiến của cựu tài phiệt dầu mỏ Nga – Mikhail Khodorkovsky – người từng ngồi tù vì tham ô và trốn thuế.

Trong một bài nói chuyện hồi giữa tháng tại Lithuania, Khodorkovsky cho biết các phát ngôn của điện Kremlin đã khiến người Nga cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây là sự tấn công vô lý lên quốc gia của họ. “Có thể nói rằng các lệnh trừng phạt đang thể hiện vai trò tích cực”, ông cho biết.

Hà Thu

Trả lời

0913.756.339