Năm 2010, trong một lần tình cờ vào Tây Ninh thăm người bạn cũ, chị Nguyễn Bích Ngọc, công tác tại một viện nghiên cứu về công nghệ Hà Nội đã không khỏi ngỡ ngàng khi thấy những con nhím cảnh nho nhỏ, xinh xinh nhập từ Thái Lan. Không kìm được sự thích thú, chị đã xin người bạn tặng cho 3 cặp để nuôi.
“Bình thường, trong suy nghĩ của tôi, nhím là loại động vật rất khó gần, có bộ lông sắc nhọn nhưng khi nhìn thấy chúng hiền lành dễ thương, tôi đã muốn sở hữu ngay”, chị Ngọc nói.
Nhím cảnh có nhiều màu sắc và nhỏ hơn rất nhiều so với nhím bình thường. Ảnh: NCNL. |
Nuôi được một thời gian, 3 cặp nhím của chị có thai và sinh con. Khi đàn phát triển mạnh, tới vài chục con, cũng chính lúc này trào lưu chơi nhím cảnh nở rộ, cộng với số lượng khách quan tâm lớn dần khiến chị nảy ra ý tưởng làm thành trại.
“Loài nhím này rất dễ chăm sóc, ít khi mắc bệnh, chi phí để nuôi cũng không cao. Do đó, tôi quyết định bỏ ra 20 triệu đồng để đặt thêm giống ở Thái Lan và xây dựng chuồng trại”, chị Bích nói.
Với số vốn đầu tư trên, chị Bích xây một trại rộng gần 20m2, với những tủ kính và chuồng lồng có kích thước 30×30 cm, mỗi hộp nuôi một cặp hoặc 3 con (2 cái, một đực). Thông thường, một cặp nhím nuôi khoảng 5 tháng là bắt đầu có thể sinh đẻ. Chúng mang thai 35 ngày, nuôi con 1,5 tháng. Sau khi tách con khoảng một tuần thì chúng có thể phối giống trở lại. Thực phẩm chính dành cho nhím là thức ăn khô công nghiệp của mèo. Ngoài ra, chị còn cho ăn thêm sâu, dế mèn, đậu, cà rốt, bí ngô. Mỗi con một ngày ăn khoảng 5-8 gram thức ăn. Để chuồng đảm bảo vệ sinh, nơi ở của nhím sẽ được dọn dẹp một ngày một lần. Ngoài tủ kính trong suốt, vào mùa đông chị Bích thường bổ sung thêm mùn cưa để lót chuồng tạo hơi ấm, do loài vật này rất sợ lạnh.
Vì không mất nhiều thời gian, công sức để chăm bẵm như các loại thú cưng khác, lại được giới trẻ yêu thích nên chỉ sau một thời gian ngắn chị đã nâng lượng đàn lên 186 con. Nhờ số lượng đàn lớn, mỗi tháng chị có doanh thu vài chục triệu đồng. Sau khi trừ tất cả chi phí chị còn lãi 12-15 triệu đồng một tháng.
“Thông thường tôi bán 250.000 đồng một con, tuy nhiên, nếu khách mua về làm giống thì một cặp bao gồm cả phụ kiện và chuồng là 1,4 triệu đồng”, chị Bích chia sẻ.
Tủ kính là một trong những vật dụng phù hợp để nuôi nhím cảnh. Ảnh: NCNL. |
Chị cũng cho hay, trọng lượng cũng như màu sắc của nhím cảnh so với loại thông thường rất khác biệt. Nhím cảnh chỉ nặng vài trăm gram, miệng nhỏ, chân ngắn, di chuyển không được nhanh như nhím thông thường nhưng chúng rất dễ gần và lành tính nên được nhiều khách để ý.
“Nhiều khi trang trại không còn hàng để bán. Đặc biệt, dạo gần đây, thương lái Trung Quốc rất mê loài động vật này nên nhím của tôi cứ đẻ ra đến đâu là họ đặt hàng hết đến đó”, chị Bích cười nói.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nuôi nhím cảnh, chị cho hay, chỉ cần cho chúng ăn 2 buổi vào sáng sớm và chiều tối. Để tránh cho nhím đang mang thai và mới sinh bị nhiễm lạnh, nên dùng đèn để sưởi ấm. Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cho nhím, chị cho uống thêm vitamin mua ở hiệu thuốc thú y. Sau khi tắm cho nhím xong cần phải sấy khô cẩn thận.
“Khi nhím sinh con chúng có biểu hiện khá giống loài mèo, rất hung dữ. Nếu không cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chúng có thể ăn luôn con mới sinh. Hoặc đối với trường hợp động chuồng, có hơi người trên mình nhím con, mẹ chúng sẽ sợ hãi tha đứa con yếu ớt đi và cắn cho đến chết”, chị Bích chia sẻ.
Do vậy, theo kinh nghiệm của chị, cần để nhím mới sinh ra một khu để mẹ chúng nuôi cho đủ lớn rồi mới bắt đầu tách và vuốt ve chăm sóc chúng. Ngoài ra, nếu chơi với nhím nên luồn tay nhẹ dưới bụng để nhím cảm thấy gần gũi. Nếu chụp ngay, chúng sẽ sợ hãi và xù gai đâm vào tay rất buốt. Mặt khác, đối với nhím đang phát triển nếu muốn chúng quen hơi người phải chăm sóc và tập từ nhỏ.
Hồng Châu