Không thị trường chứng khoán nào mất nhiều vì giá dầu như VN

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2015,  ông Trần Thanh Tân – Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết, danh mục do ông quản lý tới tháng 11 tăng 27%, nhưng trước thông tin giá dầu giảm đã lấy mất 20% trong quý cuối năm.

“Điều này nói lên tính bất hợp lý của chỉ số. Thử hỏi trên cả thế giới giá dầu biến động thì thị trường có mất nhiều như vậy không. Câu trả lời là không. Vậy thì chúng ta phải sửa”, ông nhấn mạnh.

chung-khoan-8845-1422864421.jpg

Sàn TP HCM đang xem xét lại cách tính Vn-Index để hạn chế tiêu cực từ các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng tỷ lệ tự do chuyển nhượng thấp.

Chia sẻ với VnExpress bên lề hội nghị, ông Vũ Bằng cho biết trên thị trường hiện nay có nhiều công ty quy mô lớn niêm yết nhưng lượng cổ phiếu thực sự giao dịch lại quá nhỏ, khiến cách tính chỉ số dựa trên vốn điều lệ không phản ánh chính xác tình hình thị trường.

“Thời gian qua khi nhóm ngành dầu khí biến động, mặc dù free-float (số cổ phiếu tự do giao dịch) nhỏ nhưng các doanh nghiệp này quy mô lớn nên khi cộng vào Vn-Index đã làm cho chỉ số này phản ánh không thực sự chính xác. Do vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh”, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo VFM cho rằng cần phải sửa tổng thể bộ chỉ số, bởi “hôm nay có giá dầu nhưng có thể ngày mai sẽ có vấn đề khác”. “Có vài cổ phiếu đã bắt đầu xưng hùng xưng bá trên thị trường, chẳng hạn như nhóm ngân hàng. Nếu một ngày nào đó Vietnam Airlines, Mobifone niêm yết, nếu duy trì Index như hiện nay thì phải trả giá”, ông Tân khuyến nghị.

Theo ông Bằng, hiện nay HNX-Index đã thay đổi cách tính theo hướng dựa trên giá trị vốn hóa thị trường có điều chỉnh tỷ lệ tự do chuyển nhượng, còn với sàn TP HCM, Ủy ban chứng khoán đã chỉ đạo và cơ quan này đã có cuộc họp với các quỹ đầu tư để lên kế hoạch điều chỉnh Vn-Index.

“Công việc này cần triển khai rất sớm. Bên cạnh việc xây dựng chỉ số loại bỏ các yêu tố không phản ánh đầy đủ thì sàn Hà Nội và TP HCM cũng sẽ có bộ chỉ số tổng hợp, phản ánh chung tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam”, vị này cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết đề án hợp nhất hai Sở chứng khoán đã được trình Chính phủ, trong đó sẽ cơ cấu lại hàng hóa trên thị trường theo hướng cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh sẽ có kênh riêng. Hiện tại, HoSE có thị trường cổ phiếu niêm yết, HNX có thị trường cổ phiếu, UPCoM và trái phiếu.

Liên quan đến việc mở tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, Thứ trưởng Trần Xuân Hà thông tin năm qua đã trình Chính phủ nhiều lần về việc này nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau do vướng mắc với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán đang hướng tới việc sửa Nghị định 58, làm hành lang pháp lý để nới room cho khối ngoại. “Năm nay phải quyết tâm đạt mục tiêu đề ra”, ông khẳng định.

Năm 2014, Vn-Index tăng 8%, trong khi HNX-Index tăng hơn 22%. Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt nam đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 31% GDP, trong đó sàn TP HCM chiếm 88%. Hoạt động của các thành viên thị trường tiếp tục chuyển biến. Tổng doanh thu của các công ty chứng khoán đạt khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 33%, tổng lợi nhuận đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2013. Ngược lại, doanh thu của nhóm công ty quản lý quỹ giảm 1%, đạt 711 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận đạt khoảng 140 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2013.

Huyền Thư

Để lại một bình luận

0913.756.339