Không một ngân sách nào đủ tiền để xây dựng khu phố cổ

Lịch sử phát triển Hà Nội đã để lại quỹ di sản đô thị phong phú với nhiều khu vực đặc trưng không phải đô thị nào trên thế giới cũng có được. Sự tồn tại của khu phố cổ là một minh chứng cho quá trình phát triển của đô thị Hà Nội. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị trong khu phố cổ đang bị “bào mòn”. Vấn đề bảo tổn phố cổ Hà Nội đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn những ngổn ngang.

PV đã có cuộc trao đổi với KTS Phạm Tuấn Long- Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội về những vấn đề trong việc bảo tồn phố cổ hiện nay.

Khu phố cổ khác với các khu đô thị khác

PV: Phố cổ Hà Nội không chỉ lưu giữ nhiều các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quí giá, mà còn cho thấy nếp sống của người dân ở một di sản đô thị đang thay da đổi thịt hàng ngày, hàng giờ. Phải bảo tồn phố cổ nhưng giá trị phố cổ nằm ở đâu?

KTS Phạm Tuấn Long:

Khu phố cổ là di sản đã được công nhận cấp quốc gia. Đây là di sản đô thị có sức sống mãnh liệt và có giá trị đặc biệt đối với đô thị cổ Hà Nội. Đây là một tài sản đã được khẳng định. Chính vì vậy, giá trị của khu phố cổ ngoài những giá trị về vật thể về không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch khu phố cổ còn có giá trị đặc biệt quan trọng là giá trị truyền thống, giá trị di sản phi vật thể mà chính đời sống của người dân và các sinh hoạt hàng ngày diễn ra trên đường phố tạo nên sự náo nhiệt sôi động của khu phố cổ.

Các văn hóa lễ hội truyền thống đã tạo thành một chuỗi các sự kiện cũng như là nơi giới thiệu những nét văn hóa truyền thống đồng thời cũng là nơi tiếp nhận những văn hóa mới trên thế giới. Chính vì vậy những ý nghĩa về mặt văn hóa về mặt lịch sử bên cạnh giá trị về quy hoạch kiến trúc cảnh quan giá trị phi vật thể còn có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều.

Cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa, nhiều giá trị trong khu phố cổ đang bị “bào mòn”.

PV: Sự khác nhau giữa việc bảo tồn Phố cổ Hà Nội – di sản đô thị và việc bảo tồn các di sản văn hóa – lịch sử thông thường khác là gì, thưa ông?

KTS Phạm Tuấn Long:

Phố cổ Hà Nội là một di sản đô thị sống có sức sống mãnh liệt nên việc bảo tồn di sản như thế này chúng ta phải làm tốt công tác bảo tồn và phát triển. Đối với một di tích bình thường việc bảo tồn và phát triển đã là một vấn đề nhưng ở đây bảo tồn và phát triển cả một cộng đồng dân cư cả một quần thể di tích bao gồm rất nhiều di tích ở bên trong, bao gồm cả những hoạt động phi vật thể thì càng đặt ra nhiều vấn đề.

Đây chính là đặc trưng của khu phố cổ khác với các khu đô thị khác. Nó là một cá thể sống trong đó có nhiều cá thể thành phần. Mỗi một cá thể có một đặc trưng đặc biệt khác nhau. Ngoài việc gìn giữ những di sản có giá trị thì chúng ta cũng phải tìm một giải pháp phát triển nó. Việc bảo tồn đã khó nhưng để phát triển tồn tại theo đúng hướng của ngành bảo tồn cũng như định hướng phát triển kinh tế xã hội của cả một khu vực. Đó mới là vấn đề mấu chốt.

PV: Nửa cuối năm 2013 là một bước ngoặt lớn tại phố cổ Hà Nội, với hàng loạt động thái được lên kế hoạch triển khai: Mở thêm tuyến phố đi bộ, cấm xây dựng các nhà cao tầng, chuẩn bị di dời hàng nghìn hộ dân sang khu vực khác… Tất cả được thực hiện với đích đến đề ra từ hơn chục năm nay: Trả lại cho “36 phố hàng” những giá trị kiến trúc và văn hóa đặc thù…

Vậy đến nay, công tác bảo tồn phố cổ Hà Nội đã đạt được những kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?

KTS Phạm Tuấn Long:

Thực tế trong 10 năm trở lại đây việc bảo tồn phố cổ đã thực hiện được như bảo tồn các công trình tôn giáo tín ngưỡng, cải tạo hạ tầng đô thị trong khu phố cổ như xóa các hố xí thùng trong khu phố cổ, cải tạo hệ thống thoát nước, lát lại vỉa hè bằng đá…

Sắp tới sẽ sắp xếp đường dây đi nổi trong khu phố cổ, chỉnh trang mái che mái hiên mái vẩy, bổ sung cây xanh. Tiếp tục chỉnh trang thiết kế đô thị, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố, phố đi bộ. Song hành cùng với các công việc này là việc tạo không gian xanh, không gian công cộng và phát huy các giá trị cảnh quan trong khu phố cổ kết hợp với bảo tồn các công trình di sản, các công trình di tích cùng các công trình có giá trị.

Với một kế hoạch như vậy, từ nay đến năm 2020 việc bảo tồn khu phố cổ thực sự bắt tay vào những công việc rất lớn. Có thể nói những kết quả của việc bảo tồn trong những năm vừa qua đã đem lại những hiệu quả cho kinh tế nhất định của quận Hoàn Kiếm.

Khi chúng ta biết lựa chọn những giải pháp giữa bảo tồn và phát triển thì phát triển sẽ hỗ trợ cho công tác bảo tồn. Quan trọng là chúng ta kiểm soát được mức độ phát triển đến đâu và bảo tồn như thế nào. Nếu nghĩ đơn thuần thì điều này có thể luôn mâu thuẫn nhưng thực tế chúng ta sẽ tìm được những điểm chung để phát triển.

“Không một ngân sách nào đủ tiền để bỏ ra xây dựng một khu phố cổ trở lại một thời kỳ nào đó của lịch sử. Làm như vậy cũng làm mất đi hồn cốt của khu phố cổ”.

Mấu chốt là sự tham gia của cộng đồng

PV: Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế trong việc bảo tồn phố cổ hiện nay vẫn còn chậm và tốn kém. Những khó khăn gì cản trở việc thực hiện bảo tồn phố cổ Hà Nội hiện nay?

KTS Phạm Tuấn Long:

Điều này hoàn toàn đúng. Việc tham gia vào việc bảo tồn khu phố cổ hiện nay chủ yếu là của các cơ quan quản lý nhà nước và trông hầu hết vào nguồn vốn ngân sách. Một phần rất nhỏ là của tổ chức viện trợ quốc tế. Trong khi đó, để bảo tồn khu phố cổ mấu chốt là sự tham gia của cộng đồng.

Chính người dân phải ý thức được bảo tồn khu phố cổ cũng là bảo tồn cuộc sống của bản thân họ cũng như đem lại giá trị kinh tế cho chính gia đình, cá nhân trong khu phố cổ. Nhận thức này được nhân rộng thì họ sẽ tham gia vào công tác bảo tồn còn nhà nước chỉ là nhân tố kích hoạt cho công tác bảo tồn mà thôi.

Không một ngân sách nào đủ tiền để bỏ ra xây dựng một khu phố cổ trở lại một thời kỳ nào đó của lịch sử. Làm như vậy cũng làm mất đi hồn cốt của khu phố cổ. Điều quan trọng nhất là cộng đồng họ phải tham gia và chính người dân họ là một trong những cá thể tham gia công cuộc bảo tồn đó.

Thực tế, nhận thức của người dân về bảo tồn đã dần được nâng lên so với trước đây rất nhiều. Như khi chúng tôi bắt đầu thực hiện chỉnh trang phố Tạ Hiện người dân đã rất nghi ngờ về tính khả thi và hiệu quả. Nhưng đến thời điểm này đã đạt được những kết quả nhất định. Bên cạnh những người dân phố cổ đã có những người nước ngoài đến thuê mặt bằng và mở cửa hàng. Đó là tín hiệu đáng mừng và trong quá trình thực hiện kế hoạch bảo tồn phố cổ hiện nay nhận thức của người dân đã được cải thiện rõ ràng.

PV: Trong thời gian tới, việc bảo tồn phố cổ Hà Nội – di dản đô thị sẽ có rất nhiều việc phải làm. Xin ông chia sẻ về kế hoạch thực hiện của Ban quản lý trong thời gian tới?

KTS Phạm Tuấn Long:

Trong thời gian tới chúng tôi sẽ phải triển khai thực hiện thiết kế đô thị trong các khu vực. Đầu tiên là phải làm ngay trong các khu vực bảo tồn cấp 1. Thứ hai là các tuyến phố trục chính sau đó thiết lập quy chế quản lý. Song hành nữa là phải tập trung đầu tư bảo tồn trùng tu các di tích và khôi phục lễ hội truyền thống, phố nghề truyền thống trong phố cổ.

Vấn đề kiểm soát các loại hình hoạt động về thương mại du lịch trong phố cổ cũng sẽ được thực hiện. Đặc biệt là mô hình khách sạn. Phải tiến hành nâng cấp vì hiện nay các mô hình khách sạn ở phố cổ với một vị trí đắc địa nhưng hiệu quả lại chưa cao. Bây giờ phải nâng cấp để tương xứng với giá trị bất động sản.

Xin cảm ơn ông!

Hồng Khanh (Vietnamnet)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339