Khánh thành 4 công trình trọng điểm gần 2 tỷ USD

Sau 3 năm xây dựng, nhà ga T2 với tổng mức đầu tư gần 18.000 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản đã hoàn thành đúng tiến độ. Dự án nhằm giải quyết tình trạng quá tải tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hiện nay với công suất phục vụ 10 triệu hành khách mỗi năm. Ngày cao điểm sẽ phục vụ tới 30.000 hành khách với 230 lượt cất hạ cánh.

Nhà ga T2 có diện tích gần 140.000 m2, được thiết kế với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam như hệ thống tự động kiểm tra an ninh với hành khác. 96 quầy thủ tục check-in được bố trí tại 8 đảo, 10 ki-ôt check-in cho hành khách tự làm thủ tục. 17 cửa ra máy bay, trong đó có 14 cửa có cầu hành khách.

Nhà ga T2 phục vụ các chuyến bay quốc tế đến và đi. Ảnh: Giang Huy

Cạnh nhà ga T2 là nhà khách VIP A có diện tích 5.000 m2 sẽ là nơi đón tiếp các đoàn lãnh đạo đi thăm các nước, cũng như đón tiếp các đoàn lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm Việt Nam theo nghi thức ngoại giao quốc tế.

Nhà khách có tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng, được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”. Phần mái nhà được cách điệu như một cánh hoa sen lớn, xung quanh là các hồ nước kết hợp với cây xanh. Sân nghi lễ có diện tích hơn 2.000 m2 để thực hiện các nghi lễ đón tiếp trang trọng.

Cũng trong ngày 4/1, Bộ Giao thông Vận tải khánh thành cầu Nhật Tân nằm trên vành đai 2 Hà Nội sau 5 năm xây dựng.

Cầu Nhật Tân là điểm nhấn kiến trúc cảnh quan phía bắc sông Hồng. Ảnh: Giang Huy

Nhật Tân – cầu dây văng dài nhất bắc qua sông Hồng (nối huyện Đông Anh và quận Tây Hồ) có tổng vốn đầu tư 13.626 tỷ đồng. Phần cầu chính dài 3,7 km với thiết kế dây văng liên tục 5 trụ tháp, phần đường dẫn dài 5,1 km rộng 60 m với 4 làn xe.

Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, được áp dụng công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép… được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Cây cầu này không chỉ phục vụ các phương tiện giao thông mà còn trở thành điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan khu vực cửa ngõ phía bắc của thủ đô Hà Nội.

Kết nối đồng bộ từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài là đường Võ Nguyên Giáp (đường Nhật Tân – Nội Bài) cũng được khánh thành sau 3 năm xây dựng. Tuyến đường dài 12 km với chiều rộng 80-100 m, phục vụ 6 làn xe với vận tốc tối đa 80 km/h, 2 đường gom cho xe máy, xe thô sơ với vận tốc tối đa 40 km/h, có tổng vốn đầu tư hơn 6.700 tỷ đồng,

Tuyến đường Võ Nguyên Giáp được coi là đẹp nhất thủ đô Hà Nội hiện nay, sẽ giúp các phương tiện lưu thông rút ngắn thời gian đến sân bay Nội Bài chỉ còn khoảng 30 phút từ trung tâm thành phố so với một giờ như trước đây và góp phần tạo hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại.

Đoàn Loan (VnExpress)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Trả lời

0913.756.339