IMF: Việt Nam cần tăng tốc cải tổ doanh nghiệp Nhà nước

Việt Nam đã nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô trong vài năm gần đây, với lạm phát thấp và GDP tăng dần. Năm 2014, Việt Nam tăng trưởng 5,98%, vượt mục tiêu ban đầu do Chính phủ đặt ra là 5,8%, và cao hơn năm 2013 là 5,42%. Lạm phát cũng thấp nhất nhiều thập kỷ tại 1,84%, nhờ giá dầu thế giới đi xuống.

Tuy nhiên, nợ công đang tăng lên và gây nhiều lo ngại những năm gần đây. Nỗ lực dọn dẹp nợ xấu ngân hàng vẫn gặp thách thức. Còn quá trình cổ phần hóa các công ty nhà nước lại đặt ra câu hỏi về hiệu quả cải thiện trong công tác quản trị và hoạt động, khi tư nhân chỉ được tham gia hạn chế.

Đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam – ông Sanjay Kalra vừa trả lời Wall Street Journal về tình hình kinh tế và những việc cần làm để tăng trưởng bền vững những năm tới.

Sanjay-Kalra-3205-1425531077.jpg

Ông Sanjay Kalra – Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: IMF

– Ông nhận xét thế nào về tình hình kinh tế hiện tại của Việt Nam?

– Việt Nam đã ổn định vĩ mô hơn 2 năm qua. Lạm phát đã về một con số trong thời gian dài, nhờ giá dầu đi xuống cuối năm ngoái. Tăng trưởng GDP thực đã hồi phục dần và ở quanh 6% năm 2014, nhờ xuất khẩu tăng mạnh và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhu cầu nội địa cũng hồi phục phần nào. Có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang cải thiện. Tỷ giá hồi đoái cũng tiếp tục ổn định, cán cân vãng lai cũng thặng dư và dự trữ quốc tế đã tăng từ mức thấp giữa năm 2011.

Một số hãng đánh giá tín nhiệm đã công nhận các thành tựu này và nâng xếp hạng cho Việt Nam. Trái phiếu Chính phủ cũng tái xuất trên thị trường quốc tế khi phát hành 1 tỷ USD trái phiếu với nhiều điều khoản ưu đãi năm ngoái. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách ngày càng lớn và hoạt động bảo lãnh vay vốn cho các công ty nhà nước đã khiến nợ Chính phủ và nợ Chính phủ bảo lãnh ngày càng phình to.

Các biện pháp cải tổ cấu trúc cũng đang được thực hiện. Tuy nhiên, tốc độ cần được đẩy mạnh và cải tổ ngân hàng cũng như doanh nghiệp nhà nước vẫn cần tăng cường. Năm 2015, nhiều nhà băng đã lên kế hoạch sáp nhập. Việc này sẽ làm giảm gánh nặng quản lý lên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV). Tuy nhiên, dù sáp nhập các ngân hàng yếu kém có thể giải quyết vấn đề ngay trước mắt, việc cải tổ toàn diện (gồm giảm nợ xấu, tăng vốn dự phòng, cải thiện lợi nhuận) vẫn cần được xác định rõ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Về phần doanh nghiệp Nhà nước, kế hoạch cổ phần hóa của Chính phủ rất được hoan nghênh. Tuy nhiên, các đợt cổ phần hóa gần đây, đặc biệt với các doanh nghiệp lớn, lại làm dấy lên câu hỏi về tính hiệu quả trong quản trị và hoạt động kinh doanh, khi tư nhân chỉ được tham gia rất hạn chế. Thêm vào đó, xóa bỏ các ưu tiên mà nhóm doanh nghiệp này đang được hưởng – như về đất đai hay vốn ngân hàng – cũng sẽ giúp sân chơi công bằng hơn với khối tư nhân.

– Việt Nam nên nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng ở mức độ nào?

– Khi lạm phát hạ nhiệt, các ngân hàng đã có biện pháp hạ cấu trúc lãi suất. Hơn nữa, SBV cũng duy trì lập trường nới lỏng tiền tệ để thanh khoản trong hệ thống ngân hàng luôn dồi dào. Kết quả là lãi suất liên ngân hàng đã thấp hơn lãi suất cơ bản trong 2 năm gần đây. Trong khi lạm phát thấp có thể tạo thêm cơ hội giảm lãi suất cơ bản, việc này chỉ có thể tạo ra tăng trưởng tín dụng nếu các vấn đề của ngành ngân hàng được giải quyết.

– Ông nhận xét giá dầu giảm tác động thế nào đến nền kinh tế?

– Việt Nam được dự báo hưởng lợi từ giá dầu giảm. Đầu tiên, giá giảm sẽ làm tăng thu nhập và tiêu dùng. Tiếp đó, nó sẽ giảm chi phí sản xuất, từ đó thúc đẩy đầu tư và tăng lợi nhuận cho các công ty. Lạm phát cũng sẽ đi xuống và cán cân thanh toán cũng được cải thiện. Tuy nhiên, thu ngân sách từ tiêu thụ dầu sẽ giảm. Và Việt Nam đã nâng một số loại thuế để bù đắp ảnh hưởng từ giá dầu giảm lên ngân sách.

– Việt Nam đang đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc. Quan điểm và lời khuyên của ông về vấn đề này thế nào?

– Việc hoàn tất một số thỏa thuận thương mại tự do (FTA) năm 2014 là một thành công ấn tượng. Thêm vào đó, Việt Nam đã đẩy mạnh cam kết với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). FTA và các hiệp định thương mại này sẽ là cơ hội tự do giao dịch hàng hóa xuyên biên giới, từ đó tiếp cận được thị trường lớn hơn với nhu cầu cao hơn. Việc này cũng sẽ giúp tăng nguồn cung cho thị trường trong nước với giá thấp hơn, từ đó làm lợi cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thách thức cũng sẽ nảy sinh khi cạnh tranh gia tăng. Để vượt qua, Việt Nam cần cải thiện cấu trúc thể chế và tăng năng suất. Chúng sẽ giúp hạ chi phí và tăng tính hấp dẫn đầu tư cho quốc gia. Đặc biệt, duy trì ổn định vĩ mô cũng sẽ là nền tảng mạnh giúp Việt Nam hưởng lợi từ thương mại.

– Ông nhận xét như thế nào về nợ xấu tại đây?

– Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã tích cực mua lại nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng tốc độ vẫn cần cải thiện. Việc chuyển giao sở hữu các khoản vay và tài sản thế chấp cũng đang gặp nhiều trở ngại pháp lý. Để đẩy nhanh tiến độ, VAMC cần được trao quyền lớn hơn trong việc xử lý tài sản thế chấp, và rào cản pháp lý trong việc sang nhượng số tài sản này cần được gỡ bỏ.

VAMC cần nhiều nguồn lực hơn, cả về tài chính và nhân sự, để xử lý nợ xấu. Đổi lại, thị trường giao dịch nợ xấu cũng cần đủ người mua và người bán, thậm chí là sự tham gia từ bên ngoài, để hoạt động hiệu quả.

Hà Thu (theo Wall Street Journal)

Để lại một bình luận

0913.756.339