Hoàn thiện chính sách, nắm bắt cơ hội phục hồi

Thêm quyền lực và pháp lực

Giai đoạn 2012-2014, vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô đã được cải thiện song thiếu vững chắc. Cụ thể, lạm phát giảm mạnh, tỷ giá VNĐ/USD tương đối ổn định, cán cân vãng lai cân bằng và cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể, thanh khoản của NH được cải thiện rõ rệt; nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) bước đầu đã tái cấu trúc, cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm.

Song chúng ta lại gặp khó khăn ngân sách và nợ công, phải chấp nhận tăng thâm hụt mục tiêu 4,8% GDP, nợ công dù có tỷ lệ an toàn dưới 60% GDP song tăng nhanh và rủi ro dòng tiền lớn. Nợ xấu tăng, sở hữu chéo, tính minh bạch thấp vẫn là nguy cơ gây bất ổn tài chính.

Sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn mặc dù đã có một số dấu hiệu tích cực như chỉ số PMI trên 50 kể từ tháng 9-2013; chỉ số công nghiệp xu thế tăng nhẹ, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng khá cao, đạt 13,6% trong năm 2014, trong đó khu vực trong nước tăng trên 10%. Có thể thấy, thời gian qua cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp thấp do tổng cầu giảm.

Tổng mức bán lẻ thực giảm từ trên 10%/năm còn khoảng 5,5%/năm trong năm 2013 và gần 6% trong năm 2014; tổng đầu tư giảm từ trên 40%/GDP xuống 30-31%/GDP trong năm 2013 và 2014. Các doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng dù lãi suất giảm đáng kể do nợ xấu lớn. Sản xuất và xuất khẩu một số nông sản vẫn gặp khó khăn. Đồng thời, cải cách cơ cấu nhìn chung (nhất là đối với DNNN) diễn ra chậm, giảm lòng tin dù có ý chí chính trị, chương trình và cả một số cơ chế khá mạnh để thực thi.

Năm 2015, chính sách tiền tệ phải giải quyết các vấn đề tồn tại để khơi thông tín dụng và xử lý nợ xấu. Chẳng hạn như trao thêm quyền để VAMC có thêm năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực trong việc mua bán nợ xấu, tháo gỡ khó khăn về quy trình pháp lý, thực thi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh sửa đổi có hiệu quả…

Bên cạnh đó, tỷ giá cần linh hoạt về cơ chế và điều hành, tăng khả năng cạnh tranh và tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ vì xu hướng mất giá VNĐ trước áp lực tăng giá của USD vẫn đang tiếp diễn, thâm hụt thương mại và thặng dư cán cân thanh toán quốc tế còn lớn. Ngoài ra, chính sách tiền tệ còn có gánh nặng hỗ trợ phục hồi liên quan đến các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu và trợ lực trái phiếu chính phủ (TPCP).

Năm nay, nền kinh tế phải đối mặt với các vấn đề như cân đối ngân sách (vì giá dầu lao dốc mạnh xuống dưới 50USD/thùng đã khiến ngân sách nhà nước thâm hụt khoảng 50.000 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD) và thực hiện cam kết trung hạn (giảm thâm hụt, nợ công) trong khi hầu hết nguồn để đầu tư và trả nợ của Chính phủ trong năm tới sẽ phụ thuộc vào kênh TPCP.

Năm 2015, huy động TPCP lại là một bài toán khó vì tổng vốn huy động rất cao, khoảng 450.000 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm trở lên dường như khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, các vấn đề như đòi hỏi giảm thuế trong khi áp lực chi tăng (chi đầu tư, chi thường xuyên), bài toán lương tối thiểu và tăng lương cũng đang được đặt ra.

Chính sách tài khóa còn phải phối hợp nhịp nhàng với chính sách tiền để đảm bảo các vấn đề như dòng tiền trái phiếu và lãi suất. Đây là các vấn đề mà chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cần phải giải quyết trong năm 2015.

Thúc đẩy đầu tư tư nhân

Năm 2014, GDP cũng đã đạt xấp xỉ 6%, lạm phát ở mức 1,8%. Do vậy mục tiêu năm 2015 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tốc độ tăng trưởng, vừa giải quyết vấn đề ngắn hạn, vừa tập trung cho các vấn đề trung và dài hạn với định hướng GDP 6,2% và lạm phát khoảng 5%. Kế hoạch giai đoạn 2016-2020, GDP ở mức 6,5-7%/năm, lạm phát 5-6%/năm.

Để tái cơ cấu diễn ra nhanh hơn cần những giải pháp: Thứ nhất, đối với DNNN, cần phải xử lý đồng thời 4 vấn đề gồm minh bạch thông tin; đại diện sở hữu và giám sát; tạo ra thông lệ quản trị tốt; tiến hành cổ phần hóa tập đoàn, tổng công ty.

Thứ hai, đối với hệ thống NH, mục tiêu tránh đổ vỡ hệ thống đã được thực hiện, yêu cầu hiện nay là phải chuyển sang lành mạnh hóa và nâng cao năng lực bằng cách xử lý nợ xấu, sở hữu chéo, tăng cường minh bạch thông tin và năng lực giám sát, áp dụng chuẩn mực quốc tế vào hoạt động NH, nâng cao năng lực quản trị rủi ro.

Thứ ba, đối với đầu tư công, cần phải thực thi Luật Đầu tư công, sửa đổi Luật Ngân sách, cách thức phân cấp, tạo dựng khung pháp lý phù hợp với cam kết quốc tế.

Hiện tại chúng ta có thể thúc đẩy đầu tư và cả tiêu dùng tư nhân qua gây dựng lòng tin về các cam kết ý chí chính trị; cải cách thể chế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tái cấu trúc đủ quyết liệt và thấy được trên thực tế; cải cách thể chế tương tác Nhà nước-doanh nghiệp-người dân và thị trường minh bạch, có khả năng giải trình cao. Năm nay, môi trường kinh doanh và các giải pháp hành chính hỗ trợ doanh nghiệp sẽ có đổi mới để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi, Nghị quyết 19…

Đây là điều kiện để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Ngoài ra cũng cần lưu ý trong bối cảnh hội nhập, Nhà nước và doanh nghiệp cũng phải tăng cường năng lực chống đỡ các cú sốc như phải giám sát tài chính, chu chuyển vốn, chuẩn bị kịch bản và công cụ phòng chống rủi ro.

Doanh nghiệp cần đa dạng thị trường, gắn kết lợi ích qua tham gia chuỗi, mạng sản xuất kinh doanh với các nhà đầu tư lớn từ các nước phát triển; tạo dựng cơ chế năng lực và trách nhiệm trong phản ứng với thiên tai, bất ổn xã hội do rủi ro địa-chính trị…

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương

DNSG

Để lại một bình luận

0913.756.339