Doanh nghiệp Việt chịu tác động kép khi giá dầu giảm

Trên thị trường thế giới, giá dầu thô liên tiếp giảm thời gian qua và đã chạm ngưỡng 63 USD một thùng, mức thấp nhất trong 5 năm. Thông tin tiêu cực này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu trong nước.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn – đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết khi giá dầu thế giới giảm thì đồng nghĩa với tổng doanh thu của nhà máy giảm theo. Để đảm bảo mức lợi nhuận phù hợp, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm các chi phí sản xuất như nhân công, thiết bị, hàng hóa dịch vụ…

“Không chỉ những doanh nghiệp khai thác dầu mà cả những đơn vị cung ứng cũng sẽ bị tác động”, vị này nhận định.

loc-dau-1608-1418129115.jpg

Các doanh nghiệp xăng dầu chịu tác động tiêu cực từ giá dầu thế giới giảm.

Ông Đặng Văn Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP HCM (Saigon Petro) cho biết, hơn một tuần nay giá dầu giảm khiến hoạt động kinh doanh của công ty không mấy khả quan. “Vì đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho khách, thông thường công ty theo chu kỳ 20 ngày nhập một lần. Lô hàng gần đây nhất chịu ảnh hưởng khá lớn từ giá dầu giảm khiến cả tháng nay công ty phải chịu lợi nhuận âm”, ông Sang nói. Tuy nhiên, theo ông, giá dầu đang dần dần phục hồi nên có thể thời gian tới công ty sẽ bớt khó khăn. Saigon Petro là một trong những đầu mối xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, khí đốt của cả nước. Theo quy định, doanh nghiệp phải nhập hàng để đảm bảo dữ trữ lưu thông trong thời gian 15-20 ngày.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Phó giám đốc Công ty xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) cũng chia sẻ riêng tháng 10 và 11, việc giá bán lẻ liên tục giảm mạnh đã khiến công ty hầu như không có lãi. Bởi lẽ, công ty trước đó phải nhập giá cao nhưng khi bán lẻ giá lại sụt giảm mạnh. “Thông thường xăng dầu luôn nhập với số lượng lớn để dự trữ dù giá cao. Điều này khiến doanh nghiệp chịu rủi ro khi giá bán lẻ điều chỉnh mạnh. Sau khi trừ tất cả chi phí, hầu như đơn vị không có lãi trong hai tháng nay. Nếu tình hình giá dầu tiếp tục giảm sâu thì doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ. Đây là quy luật thị trường”, ông Cảnh giải thích.

Cũng gặp khó khăn khi giá dầu giảm, Tổng công ty xăng dầu khu vực IV thừa nhận cả tháng nay hoạt động kinh doanh xăng dầu của công ty bị ảnh hưởng. Doanh thu sụt giảm. Số lượng hàng nhập về nhiều nhưng bán ra không kịp nên lợi nhuận  thiếu khả quan.

Nắm thị phần lớn nhất trên thị trường cung cấp khí gas, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng không khỏi buồn lòng khi giá dầu thế giới xuống thấp và phải xin sự hỗ trợ. Theo bản tin đăng trên cổng thông tin Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng giám đốc PV Gas Đỗ Khang Ninh đã kiến nghị PVN xem xét giúp PV Gas có được giải pháp hợp lý cho giá khí Hải Thạch Mộc Tinh bán cho các hộ tiêu thụ trong tình hình giá dầu xuống thấp khiến PV Gas phải bán lỗ.

Về tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp này cho biết giá dầu giảm vừa qua nhưng Tổng công ty vẫn hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. “Riêng việc giá cổ phiếu GAS mất 5.500 đồng trong phiên 9/12 có thể là do tâm lý đám đông. Nhiều nhà đầu tư nghĩ biến động giá dầu sẽ làm cho kết quả kinh doanh GAS sụt giảm. Tuy nhiên, tôi khẳng định hoạt động kinh doanh của đơn vị không  liên quan nhiều đến việc dầu tăng hay giảm”, lãnh đạo PV Gas khẳng định.

Sau nhiều phiên tăng liên tiếp từ đầu tháng, thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo khi bước vào tuần mới với việc VN-Index và HNX-Index cùng giảm điểm. Trong đó, VN-Index giảm tổng cộng hơn 23 điểm trong hai phiên vừa qua, xuống mức 555 điểm, thấp nhất trong nửa năm. Nguyên nhân chủ yếu do nhóm cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS,  PVT, PVC, PVX… chìm trong sắc đỏ.

Chuyên viên phân tích Trần Đức Anh của Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định sắc đỏ trên hai sàn hôm nay chủ yếu xuất phát từ nhóm ngành dầu khí. Giá dầu giảm đã khiến ngành sản xuất và khai thác dầu khí có mức giảm sâu nhất (6,8%).

“Đà bán tháo trong phiên hôm nay tiếp tục xuất phát từ các mã trong ngành dầu khí trước khi lan tỏa sang các mã ngành khác. Lực cầu bắt đáy mặc dù đã xuất hiện nhưng không đủ sức chống đỡ cho các chỉ số trước áp lực bán tháo về cuối phiên. Khối nhà đầu tư nước ngoài có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp, tuy nhiên giá trị ở mức rất thấp và tập trung ở các mã PVD, HPG, HAG, KDC, GAS. Điều này cho thấy, khác với những phiên trước, khối nhà đầu tư trong nước lại là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm”, vị này cho biết.

Là một quốc gia xuất khẩu dầu thô, kim ngạch đạt hơn 7 tỷ USD trong năm 2013, việc giá dầu giảm cũng tác động trực tiếp tới ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết nếu giá dầu giảm một USD, ngân sách sẽ hụt khoảng 1.000 tỷ đồng. “Nếu giá giảm về 85 USD thì thu ngân sách hụt khoảng 20.000 tỷ đồng”, ông cho hay. Và đến nay, khi giá dầu đã giảm về dưới 65 USD một thùng, tình hình không khỏi lo ngại, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng cho biết bội chi ngân sách Nhà nước năm tới phải giảm về 5% GDP, từ mức 5,3% GDP năm 2014.

Xét tình hình chung, ông Glenn B.Maguire – kinh tế trưởng của Ngân hàng ANZ khu vực Nam Á, ASEAN và Thái Bình Dương nhận định giá dầu giảm sẽ khiến lạm phát của Việt Nam giảm 2,6% và tăng trưởng GDP giảm 0,1%. “Tác động trực tiếp của cú sốc giá dầu phụ thuộc vào quốc gia đó có nhập khẩu nhiên liệu ròng hay không và cường độ tiêu thụ dầu là bao nhiêu”, ông nói.

gia-dau-JPG-5292-1418129115.jpg

Nguồn: ANZ

Chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh cho biết giá dầu giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, tuy nhiên lúc này “chưa thể bốc thuốc ngay” để hạn chế những tiêu cực vì việc định lượng các tác động còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thuế, sức tiêu dùng, giá cước vận tải và các khoản thu gián tiếp…

Song, trước mắt, vị chuyên gia từ ANZ tính toán trong 8 quốc gia thuộc khu vực, GDP trong 4 quý liên tiếp của Việt Nam sẽ chịu tác động lớn nhất từ giá dầu.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã tính đến một số đối sách để giảm thiểu tác động tiêu cực. “Tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển là vấn đề căn cơ nhằm tạo nguồn thu lâu dài cho ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng nghiên cứu các phương án và kết hợp điều hành có hiệu quả về các giải pháp công cụ tài chính, thuế, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước. Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với các ngành tham mưu cho Chính phủ điều hành sản xuất, khai thác dầu thô năm 2015 để đảm bảo có thu cho ngân sách Nhà nước và hiệu quả trong khai thác dầu.

Nhóm phóng viên

Trả lời

0913.756.339