Tai bay vạ gió
Nguyên nhân ban đầu của vụ tai nạn trên khiến 1 người chết và 2 người bị thương được xác định là do trong quá trình cẩu, nhà thầu đã để tuột rơi thanh thép gây tai nạn.
Sau thời gian tạm dừng thi công do tai nạn, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) vừa có văn bản chấp thuận triển khai thi công một số hạng mục dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, hàng nghìn người dân qua lại mỗi ngày vẫn lo ngại về những hiểm họa rình rập dưới công trường dự án đường sắt trên cao Hà Nội.
Hàng loạt tai nạn từ các công trường đã khiến không ít công nhân lao động và người đi đường phải chịu “tai bay vạ gió”. Sập giàn giáo, cẩu đứt cáp… gây nguy hiểm đến tính mạng người lao động và người tham gia giao thông không phải là chuyện mới, thế nhưng thực trạng đau lòng này vẫn còn tồn tại, gây hoang mang trong người dân.
Vụ tai nạn tại đường sắt trên cao
Ngày 27/9, vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên công trường thi công xây mới cầu Hoàng Mai (phường Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), làm 1 người chết.
Sáng 9/7, tại khu vực công trường xây dựng cầu vượt sông Lạch Tray và đường 353 thuộc Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (phường Hải Thành, quận Dương Kinh, Hải Phòng) xảy ra vụ sập cẩu nghiêm trọng khiến 2 công nhân tử vong, 4 người khác bị thương.
Tại nhà máy nước thuộc dự án Formosa (Hà Tĩnh), vụ sập giàn giáo cao 14m cũng đã khiến 2 công nhân thiệt mạng, 3 người trọng thương. Trước đó, mặt sàn cầu vượt ngã ba Tân Vạn cao hơn 2 m (thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương), đang đổ bêtông bất ngờ sập xuống đè chết một công nhân.
Còn ngày 25/1/2013, một sinh viên đã tử vong khi đi qua công trình xây dựng thuộc phường Phúc La (quận Hà Đông), vì bị cần cẩu đứt cáp rơi trúng… Hay như vụ sập giàn giáo xảy ra ngày 21/2/2012 trong khu đô thị Mỗ Lao (quận Hà Đông) làm một người chết, bốn người bị thương, do bị rơi từ tầng cao xuống.
Cần cẩu đang thi công trên nóc tòa tháp phía tây của trung tâm thương mại Lotte Hà Nội (gần khách sạn Daewoo Hà Nội) bất ngờ gãy sập khiến nhiều người hoảng sợ. Năm 2010, trong quá trình thi công toà nhà Keangnam ở Phạm Hùng, một phụ nữ đang tham gia lưu thông trên đường Phạm Hùng cũng phải đi cấp cứu vì bị vật cứng rơi xuống.
Thót tim khi đi đường
Ngay như tại công trường dự án đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh, nhiều người dân qua lại nơi đây cũng luôn nơm nớp vì sự nguy hiểm treo lơ lửng trên đầu. Ngày nào cũng phải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi, chị Trần Thị Hương Lan (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại: “Nếu các nhà thầu không có biện pháp an toàn thì tai nạn vẫn có thể tiếp diễn. Tôi đi các nước như Nhật Bản, Singapore họ vẫn thi công bên đường nhưng tuyệt đối an toàn và không gây ồn ào, bụi bẩn. Trong khi đó, các đơn vị thi công trong nước thường xuyên làm việc thiếu an toàn, thậm chí là hàn điện, cưa sắt ngay trên đầu người tham gia giao thông, rất nguy hiểm”.
Công trình xây dựng sập gây tai nạn
Anh Nguyễn Đức Việt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, các công trình giao thông được xây dựng là tất yếu trong quá trình hiện đại hoá đất nước nhưng dường như các đơn vị thi công chỉ lo chạy tiến độ mà ít quan tâm tới người dân. Gần đây, có biển xin lỗi người dân vì làm phiền nhưng thực tế họ vẫn gây ồn ào, bụi bẩn và ảnh hưởng không nhỏ tới người dân. “Mỗi lần đi qua các tuyến đường này tôi đều tránh xa hoặc tìm đường khác để đảm bảo an toàn”, anh cho hay.
Không chỉ các công trình giao thông mà các công trình xây dựng cũng đe dọa người dân. Khảo sát trên địa bàn Hà Nội, nhiều công trình xây dựng ven đường đặc biệt là các chung cư cao ốc, tình trạng cần cẩu lo lửng trên đầu khiến không ít người đang tham gia giao thông phải thót tim.
Chị Thu Thảo (quận Hà Đông, HN) phàn nàn: “Mỗi lần đi về nhìn thấy mấy cái cần cẩu chở sắt thép trên đầu là rùng mình. Chỉ cần sơ xảy là tai nạn có thể xảy ra, tìm hiểu các vụ chết người trên báo chí gần đây nên mình lúc nào cũng e dè”.
Trước các đơn vị thi công thiếu an toàn, mặc dù lo lắng nhưng đa số người dân đều ngại phản ánh do thiếu thông tin chủ đầu tư, đơn vị quản lý hoặc e dè về phiền hà sau này. Theo ý kiến của người dân, để đảm bảo an toàn, các đơn vị thi công cần chủ động vận chuyển vật liệu vào lúc đêm vắng, thưa người. Quá trình cẩu và vận chuyển vật liệu nặng hoặc vật liệu có tính không ổn định, có thể thực hiện biện pháp điều chỉnh, ngăn tạm thời dòng giao thông…