“Tiểu thời đại ghi hình 3 ngày tại Palazzo Fendi ở Rome, vì vậy, chúng tôi được lên sóng”, ông Pietro Beccari – CEO Fendi cho biết trên Bloomberg. Tiếp cận những ngôi sao trong các bộ phim như vậy khá đắt đỏ. “Chúng tôi may mắn được chọn xuất hiện trong này mà không mất phí”, ông nói.
Các nhãn hàng khác, như Michael Kors hay Lancome cũng đang tìm cách kiếm lời từ sự nổi tiếng của series phim này. Nội dung chính xoay quanh cuộc sống của 4 cô gái giàu có tại Thượng Hải với áo lông, rượu champagne và các chàng trai. Việc này khiến người ta liên tưởng đến bộ phim đình đám Sex and the City trước đây.
Dàn diễn viên trong Tiểu thời đại ở độ tuổi trên 20 và có ngoại hình tốt. Đây là đối tượng thu hút giới trẻ Trung Quốc – khách hàng mục tiêu của các thương hiệu xa xỉ hiện tại, khi Chính phủ nước này cấm quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp chi tiêu hoang phí.
Dàn diễn viên trong Tiểu thời đại mặc rất nhiều đồ hiệu. Ảnh: LeTV |
Doanh thu hàng xa xỉ tại nước này đã giảm 1% năm ngoái, xuống 115 tỷ NDT (18,5 tỷ USD), theo hãng nghiên cứu Bain & Co. Một số công ty như Fendi có thể sử dụng phương tiện giải trí để quảng cáo với chi phí nhỏ. Nhưng các thương hiệu khác cũng ngày càng sẵn lòng trả giá cho sự xuất hiện như vậy.
Phần phim thứ 4 của series Tiểu thời đại đang được ghi hình, và các nhãn hàng xa xỉ chắc chắn không thể thiếu. Sắp tới, hãng game NetEase có thể còn ra video game về bộ phim này nữa. Người chơi có thể chọn một trong 4 nhân vật với tính cách, phục trang và sự kiện truyền thông sẽ tham dự. Ethan Wang – Phó chủ tịch NetEase cho biết họ đang nói chuyện với “một số thương hiệu”, trong đó có Michael Kors và Lancome về hợp tác sản phẩm.
“Người trẻ Trung Quốc sinh vào thập niên 90 có tiềm năng tiêu dùng rất lớn và ngày càng muốn thử thương hiệu mới. Tiểu Thời đại có lượng người hâm mộ trẻ rất lớn, khiến các hãng có nhiều cơ hội quảng bá”, Wang cho biết.
Bộ phim nói về cuộc sống thời thượng của 4 cô gái trẻ. Ảnh: LeTV |
Cả Fendi và Michael Kors đều cho biết họ không mất phí quảng cáo trong Tiểu thời đại 3. Thay vào đó, họ cho diễn viên mượn phục trang. Nhưng Janie Ma – Giám đốc Marketing tại Ogilvy & Mather Bắc Kinh cho biết các hãng khác có thể phải trả 500.000-5 triệu NDT cho việc xuất hiện trên phim hay chương trình truyền hình, tùy thời lượng.
Ma cho biết hãng phim thường tìm đến các thương hiệu để bàn chuyện hợp tác ngay từ đầu, tích cực tham gia phim nhất là các hãng Internet và ôtô. “Các thương hiệu rất lạc quan về việc hợp tác với các hãng phim và chương trình truyền hình tại Trung Quốc”, Ma nói.
Tiểu Thời đại đã thu về hơn 1,3 tỷ NDT từ phần phim đầu tiên ra mắt đầu năm ngoái. Đây là kỷ lục với một series phim Trung Quốc. Bộ phim đã gây nhiều ý kiến trái chiều, khi có người phản đối lối sống xa xỉ của các nhân vật – đi ngược lại phong trào tiết kiệm nước này đang kêu gọi.
Dù vậy, giới trẻ Trung Quốc vẫn bị cuốn theo bộ phim bởi lối sống và cách ăn mặc thời thượng. Theo Jasmine Sun – nhà phân tích tại SmithStreet, “sự xuất hiện của Tiểu thời đại là biểu tượng cho sức mua của giới trẻ – những người coi trọng vẻ bề ngoài, sáng tạo, chịu ít áp lực và hạn chế”.
Trong phần phim thứ 3, ra rạp tháng 7 năm ngoái, 4 cô gái chuyển đến một biệt thự tại Thượng Hải với tủ quần áo chứa đầy áo khoác mốt mới nhất, váy vóc và hàng tá giày cao gót. Tới Rome, họ mặc áo khoác và dùng túi xách của Fendi – thương hiệu xa xỉ thuộc LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton. Bottega Veneta của Kering tài trợ bộ váy đỏ độc nhất vô nhị cho diễn viên. Trong khi Michael Kors trình làng bộ sưu tập 2014 bằng cách để diễn viên mặc sản phẩm chụp poster quảng cáo.
Loại hình marketing này “là điều bắt buộc nếu anh muốn quảng cáo, bất kể khách hàng sinh vào thập niên 80, 90 hay thậm chí 2000. Quảng cáo truyền thống giờ không còn hiệu quả nữa”, Tony Feng – Phó chủ tịch phụ trách thương hiệu tại hãng bán lẻ thời trang online Vipshop cho biết.
Vishop đang đàm phán đưa ứng dụng mua hàng trên điện thoại của mình vào các bộ phim Hàn Quốc hay Trung Quốc. “Kiểu quảng cáo này rất tự nhiên thôi. Nếu một nhóm bạn gái thân thiết tụ tập với nhau, họ sẽ mua hàng online”, Feng nói.
Các công ty như hãng mỹ phẩm Amorepacific (Hàn Quốc) cũng sử dụng các bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng để quảng bá vào thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, hãng đã dùng dàn diễn viên trong “Vì sao đưa anh tới” trong quảng cáo tại Trung Quốc. Thị trường này có thể đóng góp 30% tổng doanh số của Amorepacific cho đến năm 2020, gấp 3 năm 2013, Kim Seung Hwan – Giám đốc Chiến lược của hãng cho biết.
Michael Hu – sinh viên 19 tuổi tại Thượng Hải đã xem Tiểu thời đại 3 lần. Cậu cho biết quảng cáo lồng trong phim là cách tốt để marketing. “Phim ảnh là điều không thể thiếu trong cuộc sống hiện nay. Và dù chúng tôi chẳng đủ tiền để mua những đồ đó, nhưng có thể sau này đủ thì sao”, Hu nói. Và dĩ nhiên, các hãng xa xỉ rất mong cậu nói đúng.
Hà Thu