Hạ tầng xã hội mải miết chạy theo các khu đô thị

Nhiều ngôi nhà rộng lớn xây xong nhưng rất ít người muốn vào ở

Gác lại câu chuyện đầu tư rồi để đó, thì với ngôi nhà/biệt thự được xây dựng rất đẹp, đường sá thông thoáng rộng rãi và hầu hết đã đều có chủ nhưng vì sao có rất ít người muốn vào ở. Trả lời cho câu hỏi “Vì sao?”, thật ngạc nhiên lại là một câu hỏi khác: “Làm sao để vào ở được?”.

Tốc độ xây dựng “chóng mặt” trong những năm qua biến Hà Nội thành một đại công trường. Và dù ngành xây dựng đã chững lại từ hơn hai năm nay, nhưng nếu bạn đứng ở cửa sổ văn phòng tầng thứ 10 nhìn ra xung quanh thì vẫn thấy nổi bật nhất trên nền trời là vô số các cần cẩu tháp. Các chủ đầu tư và các nhà thầu vẫn quay cuồng trong bài toán: lập dự án – xây nhà bán – thu hồi vốn.

Người mua vẫn chật vật tìm nhà theo tiêu chí: ngon – bổ – rẻ. Những căn nhà trong ngõ ngách, những căn tập thể cũ dù hết sốt nhưng vẫn đắt hàng. Phân khúc chung cư giá bình dân tương đối khởi sắc nhưng chung cư cao cấp, biệt thự, liền kề dù giá đã hạ tới 2/3 so với thời kỳ hai năm trước vẫn rất ít người quan tâm.

Vấn đề chính ở đây là hạ tầng xã hội. Người mua rất quan tâm nhưng chủ đầu tư thờ ơ vì nó là yếu tố tốn tiền mà không sinh lời. Đừng đơn giản hiểu hạ tầng xã hội chỉ là đường xá giao thông, điện nước, viễn thông. Hạ tầng xã hội còn là những công trình dịch vụ công cộng tiện ích cho mọi người.

Người mua phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua một căn liền kề, biệt thự hay một căn chung cư cao cấp. Họ rất muốn được hưởng những dịch vụ tiện ích xứng đáng. Ngoài việc đường thông hè thoáng, giao thông tiện lợi, những yếu tố hạ tầng xã hội họ cần rất rõ ràng và cụ thể như:

  1. Tô phở và ly cà phê

Nghe qua thì rất hài hước nhưng đây là một trong những lý do nhà đất trong nội đô luôn giữ giá vì yếu tố này. Các hàng ăn sáng ngon, những tiệm cà phê truyền thống… khiến rất nhiều người muốn bám trụ nơi phố cũ. Đó là thói quen tiêu dùng của người Việt khó có thể thay đổi ngay lập tức.

Người Việt thường yêu thích sự tiện lợi và ngại di chuyển. Họ muốn bước chân ra khỏi nhà là có các dịch vụ tiện ích: hàng ăn sáng, quán cà phê, chợ truyền thống, quán trà đá vỉa hè…

Nhưng hầu hết các khu đô thị mới của chúng ta đang thiếu yếu tố này. Mỗi sáng thức dậy bạn phải lái xe năm, mười lăm phút mới tới hàng ăn sáng hay quán cafe yêu thích. Các bà nội trợ đãng trí nếu đi siêu thị cuối tuần quên chai mắm lọ tương thì khi buổi tối cần dùng đến sẽ mong lắm có tiệm tạp hóa gần nhà để mua.

Nên chăng các nhà đầu tư cần chú ý vào yếu tố này để tạo điểm cộng cho khu đô thị của mình. Mỗi khu đô thị nên có tối thiểu một tiệm tạp hóa hay cửa hàng tiện ích, vài quán cafe bán kèm đồ ăn sáng, một nhà hàng, một tiệm thuốc tây với chất lượng và mức giá cả hợp lý. Đó là các dịch vụ tối thiểu cho những khách hàng đầu tiên tới ở và tạo sức sống cho khu đô thị.

  1. Trường học và dịch vụ y tế

Về cơ bản khi quy hoạch các khu đô thị người ta cũng đã dự trù yếu tố này nhưng khi đi vào thực hiện thì khá èo uột. Bạn có thể lái xe nhiều cây số để đi làm nhưng luôn mong muốn con cái được học ở trường gần nhà và đảm bảo chất lượng.

Một khu đô thị có thể chưa đủ tầm để xây dựng trường học các cấp nhưng ít nhất phải đảm bảo có trường mẫu giáo và trường tiểu học. Các khu như Ecopark, Times City hay Royal city… đã làm được điều đó. Còn đa số các khu đô thị vùng ven thường không có.

Tuy nhiên một vướng mắc lớn là các trường này thường là mức học phí khá cao so với bên ngoài. Điều này khiến khách hàng ngần ngại. Khách hàng có thể bỏ ra một khoản tiền lớn để mua nhà nhưng nếu chi phí hàng tháng trong đó có học phí quá cao thì họ vẫn phải cân nhắc và rất có thể lựa chọn phương án khác.

Như vậy, với các chủ đầu tư dự án hiện nay, hạng mục trường học vẫn đang được đưa vào như một dịch vụ kinh doanh (đối với các khu đã có trường học) hoặc là một yếu tố không cần thiết. Nhưng nếu các chủ đầu tư coi đó là một dịch vụ công ích cần thiết và không quá nặng về yếu tố sinh lời thì đây chính là một điểm nhấn khiến khách hàng mua bất động sản tìm đến.

Đối với dịch vụ y tế thì việc xây dựng một bệnh viện cho khu đô thị gần như là bất khả thi vì đầu tư quá lớn. Nhưng hãy đảm bảo ít nhất có một phòng khám đa khoa uy tín và một tiệm thuốc tây cũng không phải là điều quá khó làm đối với chủ đầu tư.

  1. Sức sống của một khu đô thị

Nơi nào nhiều người ở nơi đó sẽ sinh ra tiền. Đó là một hiện thực của cuộc sống. Sự nhộn nhịp khiến người ta muốn tiêu tiền và cho nhiều người cơ hội kiếm tiền. Đừng ai mơ hồ cho rằng những khu nhà vắng ngắt sẽ sốt trở lại. Nhìn một nơi vắng vẻ, lác đác người ở, dù đẹp đến mấy chắc chắn người mua cũng phải ngần ngại.

Hãy tạo sức sống cho những khu đô thị, khu chung cư đang chờ bung hàng. Những con đường thênh thang rộng rãi ở các khu đô thị, những tầng thương mại đang trống trải trong khu chung cư có thể tổ chức thành các lễ hội hàng tuần, ngày chợ phiên, tua tham quan picnic, khu vui chơi ngoài trời cho mọi người đến tham dự. Đặc biệt là giới trẻ và những gia đình trẻ luôn muốn sự náo nhiệt. Đó chính là các khách hàng tiềm năng nhất.

Và phải đảm bảo sự duy trì các hoạt động đó liên tục để mọi người luôn nhớ nơi đó là điểm đến vui vẻ và dần dần sẽ trở nên gần gũi. Và tất nhiên những căn nhà ở đó sẽ trở nên dễ nhớ hơn và cũng dễ bán hơn. Yếu tố văn hóa cảm xúc trong kinh doanh không phải là vô ích mà ngược lại rất quan trọng.

Ai cũng cần một mái nhà để an cư lạc nghiệp. Khách hàng luôn mong muốn một căn nhà gắn với sự tiện lợi đến từng chi tiết trong cuộc sống của mình và thật xứng đáng với giá trị tiền bạc đã tiêu tốn. Vậy, chủ đầu tư hãy quan tâm đến cảm xúc của khách hàng thì tiền sẽ chạy vào túi.

* Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc mua nhà

Đỗ Đỗ

0913.756.339