Giá này tương đương 30,32 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 34,98-35,14 triệu đồng.
Hôm thứ Ba, Mỹ công bố số liệu cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 5% trong quý III, mạnh nhất 11 năm. Đây cũng là tín hiệu mạnh mẽ nhất chỉ ra Mỹ đã chuyển sang giai đoạn tăng trưởng nhanh hơn.
Hai chỉ số chủ chốt tại phố Wall là Dow Jones và S&P 500 đều tăng kỷ lục phiên hôm đó và duy trì đà tăng sang hôm qua. Chứng khoán châu Á hôm qua cũng khởi sắc. Đồng đôla lên cao nhất gần 9 năm so với rổ tiền tệ lớn trên thế giới.
Chứng khoán và USD mạnh lên đã đẩy nhu cầu trú ẩn tại vàng đi xuống. Chúng cũng có thể khuyến khích Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sớm, càng gây sức ép lên kim loại quý.
“Thị trường giao dịch khá yếu trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Mốc 1.170 USD sẽ là ngưỡng quan trọng. Nếu giá phá xuống, các lệnh bán cắt lỗ sẽ được kích hoạt”, Jason Cerisola – nhà phân tích tại MKS cho biết.
ScotiaMocatta thì nhận định các yếu tố hiện tại đang đẩy thị trường theo hướng đi xuống. Nếu để mất mốc 1.172 USD, giá có thể xuống đáy 1.130 USD đạt được hồi tháng 11.
Giá vàng đang hướng tới năm giảm thứ 2 liên tiếp. Dù tốc độ 2% năm nay là khá nhỏ so với 28% năm ngoái. Triển vọng lạc quan về kinh tế Mỹ và đồng đôla, cùng khả năng tăng lãi suất là những yếu tố gây sức ép lên thị trường.
Trên thị trường đầu tư, dự trữ tại SPDR Gold Trust – quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, vẫn ở gần đáy 6 năm. Còn nhu cầu vật chất tại khu vực tiêu thụ hàng đầu – châu Á vẫn rất thấp so với mức đỉnh năm ngoái.
Hôm qua, dầu thô tiếp tục mất giá trước số liệu nguồn cung Mỹ tăng mạnh nhất 2 tháng. Mỗi thùng WTI trên sàn NYMEX giảm 2,2% xuống 55,84 USD một thùng. Còn dầu Brent trên sàn ICE London mất 2,3% còn 60,24 USD.
Hà Thu