Đến 8h sáng nay (giờ Hà Nội), giá còn 1.274 USD, tương đương 32,84 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm thuế, phí. Giá trong nước đóng cửa hôm qua tại 35,46-35,56 triệu đồng một lượng.
Dù vậy, giá vẫn được hỗ trợ bởi bất ổn trên thị trường nói chung, sau khi Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ bỏ trần tỷ giá đồng franc cuối tuần trước. Động thái này đã châm ngòi cho làn sóng mua vàng trú ẩn, đẩy giá lên đỉnh 4 tháng tại 1.281 USD một ounce.
Thị trường đang ngày càng tin vào dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố gói kích thích trong cuộc họp chính sách ngày thứ Năm. Trong khi đó, đảng phản đối nhận cứu trợ quốc tế tại Hy lạp – Syriza vẫn dẫn đầu trong các cuộc khảo sát trước tổng tuyển cử cuối tuần này.
Giá các hợp đồng giao tháng 2 hôm qua tăng 1 USD lên 1.277 USD một ounce. Từ đầu năm, giá giao ngay đã nhích lên 8%.
“Lo ngại kinh tế tại châu Âu, đồng euro xuống đáy 9 năm, ECB chuẩn bị tung kích thích và động thái của Thụy Sĩ tuần trước đã kéo vàng đi lên”, Bernard Dahdah – nhà phân tích tại Natixis nhận xét.
Trên thị trường đầu tư, dự trữ tại quỹ tín thác lớn nhất thế giới – SPDR Gold Trust đã tăng 13,7% lên 730,89 tấn cuối tuần trước. Đây là mức tăng ngày mạnh nhất của quỹ này hơn 3 năm qua. Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), số hợp đồng mua ròng vàng đã tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Thanh khoản hôm qua khá yếu, do thị trường Mỹ đóng cửa sớm để nghỉ lễ. Một số nhà đầu tư đã bán vàng chốt lời trước đà tăng vài ngày qua. “Người ta bán chốt lời một chút, và các quỹ cũng bán vàng vật chất một chút. Chẳng có gì lớn cả. Nhưng đây là là lần đầu tiên chúng tôi thấy thị trường ở ngưỡng này lâu như vậy. Có vẻ mọi người đều đang hào hứng”, Afshin Nabavi tại MKS cho biết.
Trên thị trường dầu thô, cả dầu Brent và WTI hôm qua đều giảm mạnh khi Mỹ ra tín hiệu sẽ tiếp tục không can thiệp vào thị trường. Dầu Brent mất 2,65%, xuống 48,84 USD một thùng. Trong khi đó, dầu WTI hiện giao dịch tại 47,46 USD.
Hà Thu