Cụ thể, trong kiến nghị vừa gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh và Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp xin được thành lập đội tàu thủy nội địa nhằm mục đích vận chuyển thép thành phẩm từ nhà máy đến hai thị trường chính TP.HCM và Hà Nội.
Theo nhà đầu tư Đài Loan, sau khi hai lò cao hoàn tất, mỗi năm Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất khoảng 7,1 triệu tấn thép thành phẩm, trong đó có 3 triệu tấn bán trong nước thông 2 hai đầu mối chính là Hà Nội, TP.HCM.
Công ty có 100% vốn nước ngoài này cho biết, với số lượng vận chuyển lớn như trên, Formosa dự kiến sẽ chọn phương thức vận tải bằng tàu thuyền, thay vì đường bộ. Tuy nhiên, với lý do “để nắm bắt hiệu quả sản xuất và tiêu thụ”, doanh nghiệp sẽ mua tàu để vận chuyển chứ không thuê tàu của các hãng vận tải trong nước.
Một góc bên trong khu gang thép Formosa. |
Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics năm 2007 hiện chưa cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có công ty riêng tham gia vận tải thủy nội địa. Trường hợp nhà đầu tư ngoại muốn làm ăn trong ngành này phải lập công ty liên doanh với đơn vị nội địa theo tỷ lệ vốn góp không quá 49%.
Trong kiến nghị của mình, Formosa chỉ nói “muốn có đội tàu vận chuyển thép thành phẩm” chứ không nói rõ sẽ lập công ty 100% chủ sở hữu hay tham gia liên doanh với đối tác trong nước qua góp cổ phần.
Đơn vị này sự kiến đội tàu sẽ không chở hàng bên ngoài, cũng không nhằm mục đích kinh doanh, do đó không ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng vận tải khác.
Quy định của Bộ Giao thông Vận tải từ tháng 4/2013 cũng đã cấm tàu ngoại chạy các tuyến nội địa nhằm hỗ trợ đội tàu nội giành lại thị phần trong nước. Tuy nhiên, trước kiến nghị mới này, Bộ Giao thông cho biết đang yêu cầu các cục vụ liên quan trả lời trước ngày 20/10 để phản hồi đề xuất của doanh nghiệp.
Trước đó, Công ty TNHH Hưng Nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã xin một số ưu đãi, trong đó có kiến nghị vượt khung là thành lập đặc khu kinh tế riêng. Tuy nhiên yêu cầu này đã bị Chính phủ từ chối.
Chí Hiếu