EVN cần tính lại lỗ lãi trước khi tăng giá điện

Dù chưa đưa thêm thông tin chi tiết song đề xuất tăng giá điện vào giữa tháng 12 của EVN được dư luận hết sức quan tâm. Trước đó, theo kế hoạch trình từ đầu năm, mức tăng dự kiến của giá điện mà doanh nghiệp đưa ra là khoảng 9,5%.

Trao đổi với VnExpress, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết cơ quan này vẫn chưa hoàn tất xem xét phương án tăng giá điện EVN trình trước đó, nên chưa có câu trả lời chính thức về thời điểm điều chỉnh cũng như mức giá mới.

Trước đó, đại diện EVN cho biết trước mắt Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành họp bàn về giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013. “Rất có thể cuộc họp này sẽ diễn ra trong những ngày cuối tháng 12”, nguồn tin cho hay.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc điều chỉnh tăng giá điện là do năm 2014, nguồn nước tại các nhà máy thủy điện khó khăn khiến EVN phải chạy dầu giá cao để phát điện. Ngoài ra, giá than bán tăng thêm 5% từ cuối tháng 7 đã gây sức ép không nhỏ cho hoạt động của các nhà máy nhiệt điện. Chưa kể nhu cầu về vốn đầu tư cho các công trình nguồn, lưới điện mỗi năm của EVN lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.

EVN-9539-1419653422.jpg

Theo ông Doanh, hầu hết các chi phí đầu vào đã giảm, EVN cần tính toán lại mức lỗ để tăng giá điện hợp lý.

Theo báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11 của EVN, giá trị khối lượng thực hiện vốn đầu tư toàn Tập đoàn đạt 101.519 tỷ đồng, trong đó giá trị giải ngân đạt 94.407 tỷ đồng, đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2013. Hồi tháng 6 năm nay, Báo cáo Giám sát tóm tắt năm 2013 của Công ty mẹ cho thấy EVN lãi vượt kế hoạch được giao, nhờ đưa vào vận hành Thủy điện Sơn La và tác động từ việc điều chỉnh giá điện, trong khi tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định. Năm 2013 EVN đã nộp thuế 25% và dành 50% để đầu tư phát triển. 25% còn lại được trích quỹ phúc lợi khen thưởng. 

Cũng trong năm ngoái,  EVN đã vay trong và ngoài nước khoảng 1,9 tỷ đôla. Qua đàm phán, tập đoàn đã được các ngân hàng cho giãn trả nợ khoảng 3.000 tỷ đồng cho dự án Thủy điện Sơn La. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị EVN góp vốn cũng đều có lãi. Ngoài ra, cả hai lần tăng giá điện (tổng công tăng 10%) vào tháng 12/2012  và  tháng 8/2013, EVN tổng cộng đã thu lợi khoảng hơn 13.000 tỷ đồng.

Chia sẻ với VnExpress, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, lý do tăng giá bán điện của EVN nêu ra đến nay chưa thỏa đáng. Theo quyết định số 24 của Chính phủ, việc điều chỉnh giá bán điện sẽ dựa trên đánh giá chi phí đầu vào của từng quý. Hiện nguyên liệu đầu vào của ngành điện chủ yếu từ 3 nguồn chính là thủy điện, dầu khí, và than. Theo diễn biến thời gian qua nguồn nước thủy điện đã thuận lợi trở lại, dầu khí đã giảm mạnh, chỉ có nguyên liệu than bán cho các nhà máy nhiệt điện thì tăng một ít.

“Rõ ràng các yếu tố đầu vào cho ngành điện không thay đổi nhiều thậm chí có giảm mà EVN đề xuất tăng giá là bất hợp lý”, ông Long nói. Kể cả tính thêm chi phí một số thiết bị đầu tư mà ngành điện nhập từ nước ngoài vào thì cũng không thỏa đáng vì tỷ giá trong năm nay được điều hành rất ổn định.

“Điện là vấn đề nhạy cảm có tác động đến nhiều các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế lẫn người tiêu dùng. Do đó, cứ theo quan điểm cơ chế thị trường để tăng giá thì nhất thiết phải xem xét lại các yếu tố đầu vào”, nguyên Viện trưởng Viện giá cả nói.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ cuối năm 2013, EVN đã đề xuất tăng giá điện với mức 14% trong năm nay. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu lạm phát Chính phủ chưa đồng ý cho EVN tăng giá bán lẻ điện.

“Nay lạm phát thấp, EVN thấy đây là cơ hội để tính đến chuyện tăng giá cũng là điều dễ hiểu. Nhưng mức tăng 9,5% là quá cao, không phù hợp với thị trường”, ông Doanh bày tỏ.

Theo ông Doanh, trước đó doanh nghiệp nêu lý do tăng giá bán bởi các khoản lỗ từ việc mua khí, than giá cao cho các nhà máy nhiệt điện. Nhưng nay hầu hết chi phí đầu vào đều đã giảm EVN cũng nên tính toán, xem xét lại mức lỗ đã nêu trước đó.

Nhìn nhận mức tăng 9,5% tác động đến sản xuất, vị này cho rằng các doanh nghiệp trong ngành thép, xi măng sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó đội giá thành là điều chắc chắn. Trong điều kiện cạnh tranh rất khốc liệt như hiện nay, giá điện tăng sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. “ Tốt nhất EVN cần tăng theo lộ trình mỗi lần điều chỉnh ở mức 3-4% là hợp lý”, chuyên gia đề xuất.

Thành Tâm

Để lại một bình luận

0913.756.339