Một khối cao ốc thi công dang dở thuộc dự án Petro Vietnam Landmark. Ảnh: Hồng Phúc
Thấp thỏm chờ “căn hộ trong mơ”
Petro Vietnam Landmark là dự án tổ hợp khu dân cư, trung tâm thương mại cao cấp do Công ty CP bất động sản xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2009, với quy mô thiết kế gồm cao ốc văn phòng (25 tầng) và 4 khối chung cư (418 căn hộ), với tổng giá trị đầu tư hơn 1.110 tỷ đồng. PVC Land cam kết bàn giao cho khách hàng vào cuối năm 2011, với nhiều tô vẽ về những “căn hộ trong mơ”.
Tin tưởng dự án do một chủ đầu tư thuộc tập đoàn nhà nước, nhiều khách hàng từ Hà Nội, và các tỉnh/thành phía Bắc cũng lặn lội vào TPHCM mua căn hộ. Thế nhưng, sau 3 năm chờ đợi đến nay hàng trăm khách hàng vẫn phải “ngậm trái đắng”.
Một khách hàng là Việt kiều Hồng Kông thất vọng cho biết, bà đã không ngờ đến tình trạng dự án bị “treo” vì quá tin tưởng vào chủ đầu tư có tên tuổi. Theo đó, ngày 30-8-2011, bà ký hợp đồng mua một căn hộ cao cấp với giá gần 2,6 tỷ đồng. Chính từ sự thất hứa thời gian giao nhà mà bà đã tốn kém nhiều chi phí vé máy bay đi đi về về giữa Việt Nam và Hồng Kông suốt 3 năm qua. Tương tự, một người khác ở Q.Tân Bình, TPHCM cũng đã không chần chừ ký vào hợp đồng mua căn hộ ngay khi chủ đầu tư chào bán. Đến nay vẫn không biết kết quả ra sao.
Một số công ty vào thời điểm 2009 khi nhìn thấy tương lai của PetroVietnam Landmark đã đầu tư nhiều căn hộ một lúc tại dự án này đến nay cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”. Bà Nguyễn Thị Nhị (Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Hàn, TPHCM) ký hợp đồng mua 2 căn hộ vào thời điểm 2011, với tổng số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng. PVC Land cam kết giao nhà cho bà Nhị vào cuối 2011 nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Bức xúc, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án gửi đơn khiếu nại đến PVC Land. Thế nhưng, tại một cuộc họp với người mua nhà, đại diện chủ đầu tư dự án lại cho biết, để hoàn thành dự án công ty cần khoảng 414 tỷ đồng nữa, trong khi hiện tại PVC Land còn nợ Ngân hàng Liên Việt 191 tỷ đồng, hiện có sự lình xình giữa các bên nên dự án chưa triển khai tiếp được.
Dự án “dính” nhiều sai phạm
Tuy nhiên, không hẳn chỉ vì lý do đó.
Giải trình với khách hàng, chính đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận: việc PVC Land thiếu vốn vào giai đoạn hoàn chỉnh dự án một phần do các nhà thầu chính, gồm: Công ty đầu tư và xây lắp dầu khí Sài Gòn và Công ty thiết bị Nội ngoại thất Dầu khí không còn tài chính để tiếp tục thi công. Sau đó, PVC Land đã phải có công văn đề xuất Tập đoàn Dầu khí và Tổng Công ty xây lắp Dầu khí có giải pháp thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được nhà thầu có năng lực.
Trước các dấu hiệu bất thường tại dự án, Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng đã làm việc với PVC Land và Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC – công ty mẹ của PVC Land, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Trước đó, chính PVC cũng đã thành lập một tổ công tác kiểm tra dự án. Theo kết quả thanh tra được công bố vào tháng 8-2014, nhiều sai phạm tại dự án đã được phát hiện. Trong đó, PVC Land đã ký nhiều chứng từ, chi phí, thanh toán không có dự trù kinh phí, không có thời hạn hoàn tạm ứng. Nhiều khoản chi bằng tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng sai nguyên tắc, dẫn đến nguy cơ không được khấu trừ thuế; hàng chục hồ sơ đáo đến hạn thanh lý hợp đồng chưa bàn giao, với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Cùng đó, Ngân hàng Liên Việt cũng đã khởi kiện PVC Land do nợ quá hạn số tiền cả vốn lẫn lãi hơn 191 tỷ đồng ra TAND Q.1 (TPHCM).
Chưa biết đến khi nào tổ hợp khu dân cư, trung tâm thương mại cao cấp “trong mơ” mới được “tiếp viện”, vì thế hàng trăm khách hàng tham gia dự án đã và đang là những nạn nhân bất đắc dĩ, không biết đến bao giờ mới có nhà.
Lê Anh (ĐĐK)
Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.