Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tại buổi trao đổi với báo chí chiều 18/12.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trên cơ sở đánh giá thị trường ngoại tệ và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cho các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay với 2 nhu cầu vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp sẽ chuyển dần từ cho vay ngoại tệ sang mua bán. Ảnh: Quý Đoàn |
Trước đó, Thông tư 29/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với bốn nhóm nhu cầu, gồm vay ngắn hạn – trung và dài hạn để thanh toán nhập khẩu, vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu, vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu và vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu vay nhập khẩu xăng dầu và vay để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu chỉ được đáp ứng đến hết ngày 31/12/2014.
“Trên cơ sở phân tích nhiều yếu tố, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng lại tiếp tục được tự quyết cho vay với hai nhu cầu này đến hết năm 2015”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nói. Cuối tuần này hoặc sang tuần sau, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản chính thức thay thế Thông tư 29.
Ngân hàng Nhà nước cho biết số tiền phục vụ xuất khẩu và nhập khẩu xăng dầu chiếm khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ của toàn hệ thống, trong đó xuất khẩu chiếm 24%, còn xăng dầu khoảng 6%.
Về lộ trình sắp tới, Phó thống đốc cho biết “thời điểm này chưa thể nói cụ thể” nhưng sẽ cân nhắc nhiều góc cạnh. “Phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ”, bà khẳng định.
Trước đó, để chống đôla hóa trong nền kinh tế, giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD và nâng vị thế đồng nội tệ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chỉ cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay với các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn năm 2013 – 2014, nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị được vay ngoại tệ để giảm bớt chi phí, do đó Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được cho vay ngoại tệ với 4 nhóm nhu cầu.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng cũng xem xét cho vay ngoại tệ với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất – kinh doanh nhưng phải được sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện tín dụng ngoại tệ đang trở thành lực đẩy quan trọng cho tăng trưởng tín dụng. Tính đến cuối tháng 9, dư nợ ở mảng ngoại tệ tăng trên 20,77%, cao gấp 5 lần tín dụng tiền đồng, trong khi huy động ngoại tệ không theo kịp.
Phương Linh