Doanh nghiệp Mỹ hăm hở tiến vào Cuba

Trong tuyên bố hôm thứ 4, Tổng thống Mỹ – Barrack Obama cho biết: “Chúng ta sẽ kết thúc việc làm lỗi thời trước đây và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho cả người Mỹ và người Cuba”.

Sắp tới, nhiều người Mỹ có thể sẽ tới Cuba để kinh doanh, học tập hoặc làm nghệ thuật. Các ngân hàng Mỹ cũng có thể mở chi nhánh tại Cuba. Còn các công ty Mỹ sẽ xuất hàng sang nước này dễ dàng hơn.

Triển vọng tăng trưởng thương mại giữa hai nước giúp các công ty có thể trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Cổ phiếu của tập đoàn du thuyền Carnival Corporation tăng 3%, còn cổ phiếu Norwegian Cruise Line cũng tăng thêm 1,5% hôm qua.

havana-1513-1418965714.jpg

Một góc thủ đô Havana của Cuba. Ảnh: Bloomberg

“Cuba là quốc gia lớn nhất tại vùng Caribbean và có rất nhiều tiềm năng”, người phát ngôn của Carnival nhận định. Ông cũng cho biết Cuba đã có sẵn cảng biển và cơ sở hạ tầng cho du thuyền.

Tin tức về việc hai nước sắp bắt tay trở lại cũng giúp giá cổ phiếu của Herzfeld Caribbean Basin tăng tới 35%. Quỹ này đầu tư vào các công ty có thể hưởng lợi từ tăng trưởng thương mại Mỹ-Cuba, như hãng vận tải biển Seaboard và công ty phân phối thiết bị điều hòa Watsco.

Các công ty Mỹ sản xuất hàng tiêu dùng, như xà phòng, thực phẩm đóng gói, có lẽ sẽ được lợi đầu tiên, Andres Diaz – một cựu quan chức thương mại Mỹ nhận xét. Những sản phẩm này không đắt đỏ và vừa túi tiền hiện tại của người dân Cuba. “Đổi lại, chúng ta cũng sẽ thấy những sản phẩm huyền thoại của Cuba, như xì gà và rượu, được bán tại Mỹ”, Diaz nói. Dù lệnh cấm vận vẫn còn, khách du lịch Mỹ tới Cuba giờ đã có thể mang về nước số lượng xì gà trị giá 100 USD và rượu trị giá 400 USD.

Những người Mỹ gốc Cuba cũng sẽ gửi được nhiều tiền hơn về cho gia đình và bạn bè tại quê nhà. Do Tổng thống Obama đã nâng trần kiều hối. Dỡ bỏ lệnh cấm vận cũng mở ra vô số cơ hội cho các công ty viễn thông Mỹ.

Nửa thế kỷ qua, thương mại giữa hai nước gần như đóng băng. Người Mỹ không thể mua xì gà, rượu và quần áo Cuba. Còn người Cuba cũng muốn có xe hơi của Mỹ, nhưng vẫn phải lái những chiếc Chevrolet sản xuất từ những năm 50.

Mỹ áp lệnh cấm vận kinh tế với Cuba từ năm 1960 và thắt chặt 2 năm sau đó. Theo CNN, lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba là động thái khá tốn kém. Phòng Thương mại Mỹ cho biết mỗi năm, kinh tế nước này thất thu 1,2 tỷ USD do lệnh cấm vận. Còn Chính phủ Cuba mỗi năm cũng thiệt hại 685 triệu USD.

Thanh Tuyền

Trả lời

0913.756.339