Sau khi nghe tin giá điện tăng 7,5% từ 16/3, Phó quản đốc nhà máy sản xuất gạch granite Viglacera tại Thái Bình – ông Phạm Văn Sáng đã kịp nhẩm tính sơ bộ khoản tiền điện chi thêm vào những tháng tới gần. Để sản xuất ra mỗi m2 gạch, nhà máy tiêu tốn 6,6 kWh. Công suất nhà máy là 150.000 m2, mỗi tháng riêng chi phí điện rơi vào khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng. Chưa rõ giá điện sản xuất sẽ tăng thế nào, nhưng với mức bình quân 7,5%, mỗi tháng nhà máy tốn thêm 100 triệu đồng. Chi phí tăng lên, nhưng theo ông Sáng, nhà máy sẽ điều tiết để không ảnh hưởng nhiều đến giá bán sản phẩm.
Trong khi đó, với doanh nghiệp sản xuất xi măng như Công ty Cosevco 6, việc đổi mới công nghệ sản xuất thời gian qua đã giúp tiết kiệm chi phí. Song theo Tổng giám đốc Phan Văn Diễn, mỗi lần giá điện điều chỉnh ít nhiều đều ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, cụ thế nhất là giá thành sản xuất.
“Chúng tôi đang chờ chủ trương của tổng công ty về giá bán khi giá điện thay đổi. Nhưng trước tình cảnh xi măng đang phải bán ngang, thậm chí dưới giá thành thì ai tăng giá sẽ chết trước, nên rất khó đẩy giá sản phẩm để bù đắp cho phần tăng từ chi phí điện”, ông nói. Đó là chưa kể đến kế hoạch nâng công suất lên 500.000 tấn trong năm nay của doanh nghiệp khả năng không thể thực hiện.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết chu trình sản xuất một tấn thép hoàn chỉnh trung bình khoảng 700 số điện, giá điện tăng bình quân 7,5% có thể khiến một tấn thép ra lò đội chi phí thêm 80.000 đồng. “So với giá bán 11 triệu đồng mỗi tấn thì con số này chưa đến 1%. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chờ đợi biểu giá điện mới. Nếu ngành thép bị áp dụng mức giá cao hơn giá trung bình thì không công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất”, “, ông Nguyễn Tiến Sưa – Chủ tịch Hiệp hội Thép nói.
Ngoài giá bán lẻ, việc sử dụng lãng phí, tiêu hao điện năng lớn cũng là bất cập lớn của EVN hiện nay. |
Theo ông Sưa, thời gian qua, để cạnh tranh nhiều doanh nghiệp sản xuất đã chủ động đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế để cập nhật kỹ thuật mới, phải tiết giảm tối đa chi phí, tăng năng suất để giảm áp lực lên giá bán.
Trao đổi với với VnExpress, ông Vũ Xuân Thuyên, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng giá điện bán lẻ của Việt Nam vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực. Bên cạnh đó, bất cập lớn của ngành điện hiện nay chính là mức hao tổn thất điện năng cao. Trong đó, không ít ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ điện lớn nhưng vẫn được nhà nước trợ giá.
Dẫn lại số liệu từ Bộ Công Thương, vị này cho biết, thép và xi măng đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng lượng tiêu thụ điện thương phẩm cả nước (khoảng trên 10%). Với mỗi tấn thép cán, doanh nghiệp hiện tiêu tốn khoảng 100-120 kWh điện, trong khi để luyện phôi, con số lên tới 400 kWh. So với giá bình quân (1.508,8 đồng một kWh) thì các doanh nghiệp này chỉ trả trên 1.475 đồng, số còn lại ngân sách hỗ trợ.
“Cơ cấu giá điện cho các đối tượng khách hàng tại Việt Nam cũng đủ thấy nhà nước đang phải gánh một khoản trợ giá khá lớn cho khu vực tiêu tốn điện năng lớn nhất”, ông Thuyên cho hay.
Tại Hội nghị tổng kết diễn ra tháng 1, Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cũng cho rằng sử dụng điện đang rất lãng phí và xem đây những thách thức lớn của tập đoàn. Năm 2014 tỷ lệ tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm 0,27% so với năm 2013 nhưng vẫn ở mức 8,6%. Riêng tổn thất lưới điện truyền tải là 2,5%, cao hơn kế hoạch đề ra 0,3%.
Lãnh đạo EVN cũng cho rằng cơ cấu điện cho các ngành kinh tế vẫn bất hợp lý. Cụ thể, gần 54% sản lượng điện phục vụ công nghiệp nhưng chỉ làm ra 39% GDP, trong khi chỉ với 4% sử dụng cho thương mại và dịch vụ đã làm ra 44% GDP. Đáng chú ý, 63% sản lượng điện của miền Nam đều phục vụ cho công nghiệp nhưng hiệu quả kinh tế vẫn không cao.
Điều này, vì thế khiến chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo ngại lãng phí điện nhưng bán thấp hơn giá thành sẽ giúp nhiều doanh nghiệp FDI lợi dụng để “xuất khẩu điện” thông qua các mặt hàng tiêu tốn điện năng. “Đây là điều rất nguy hại cho nền kinh tế, trong khi trong nước vẫn thiếu điện”, ông nói.
Nhìn nhận thực trạng các nhà đầu tư bỏ ngành điện ông Thành cho rằng, mấu chốt chưa hẳn ở biểu giá bán điện khi mà tại Việt Nam, EVN vẫn là đơn vị độc quyền mua bán và phân phối. “Nhà đầu tư nước ngoài không được quyền phân phối điện trực tiếp mà phải bán lại cho EVN. Mức giá mà ngành điện chào mua sẽ là cơ sở để nhà đầu tư quyết định có kinh doanh tại Việt Nam hay không”, ông nói.
Với một số dự án nguồn điện do nhà đầu tư nước ngoài đã hoàn thành, theo ông, thông thường hợp đồng mua bán điện phải được ký trong vòng 20-30 năm đảm bảo đủ thời gian để nhà đầu tư thu hồi vốn. Nhưng trên thực tế EVN không chỉ mua với giá thấp mà còn ký những hợp đồng ngắn hạn 2-3 năm. Điều này, theo ông, đã đặt nhà đầu tư vào tình huống nan giải khi xây dựng xong nhà máy điện rồi nếu không bán cho EVN cũng chẳng biết bán cho ai.
Chuyên gia cho biết, với các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết với một số nước thì giá điện theo thị trường chỉ là vấn đề thời gian. Một khi biểu giá điện mới được áp dụng ít nhiều tạo động lực để các doanh nghiệp thay đổi công nghệ, tiết kiệm chi phí, năng cao năng suất, sức mua cải thiện…giúp nền kinh tế điều hòa tốt hơn, người dân có công ăn việc làm và có thu nhập. “Đó là cái lợi của người dân chứ không hẳn được hưởng một mức giá cạnh tranh”, ông Thành cho hay.
Cùng chia sẻ, theo đại diện Cục phát triển doanh nghiệp, thực tế người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá bán mới nếu như EVN rõ ràng minh bạch hơn mọi thông tin về giá thành sản xuất. “Một khi họ vẫn thấy EVN khuất tất thì dù chỉ phải chi trả thêm một khoản tiền rất nhỏ thì họ vẫn không cảm thấy thoải mái”, ông nói.
Thành Tâm – Chí Hiếu