Không có nhiều lợi thế về hạ tầng kỹ thuật sẵn có, nên dù đã vận hành trang bán hàng online được 4 tháng, lãnh đạo Big C Thăng Long (Hà Nội) cho biết việc kinh doanh trực tuyến vẫn còn ở giai đoạn đầu.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Big C thừa nhận, siêu thị chưa kỳ vọng sự thành công nhanh chóng của hình thức bán hàng mới này, thậm chí chấp nhận chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên, đây là xu hướng chung và Big C sẽ tận dụng mọi cơ hội để có những bước đi vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, song song với kênh bán hàng truyền thống hiện nay.
Theo đại diện Big C, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi bán hàng online chính là lòng tin của khách hàng. “Hiện người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng mua hàng trực tuyến nên gần như phần đông không sẵn sàng cung cấp số thẻ tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ”, đại diện Big C cho hay. Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý, phương tiện thanh toán, vận chuyển, giao hàng, chi phí… của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.
Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 1.000 địa chỉ mua sắm online ngành hàng bán lẻ của các siêu thị và công ty phân phối. Tuy nhiên, do những khó khăn nội tại, các trang web vẫn chưa số hóa được các sản phẩm, giá cả lẫn dịch vụ. “Do đó một lượng rất lớn các khách hàng chưa tiếp cập được với các địa chỉ của doanh nghiệp bán lẻ trong nước”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho hay.
Các đơn vị bán lẻ không bỏ lỡ việc tăng doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Ảnh: Anh Quân |
Tại hội thảo “Thúc đẩy ngành bán lẻ Việt Nam bằng thương mại điện tử” diễn ra sáng 23/12, khi nhìn nhận sự “phủ sóng” khắp trên internet từ các trang thương mại của nhà đầu tư ngoại như Lazada, Zalora… ông Nguyễn Lâm Thanh, Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam không ngần ngại cho rằng, những thương hiệu này đang có ảnh hưởng, thậm chí bắt đầu chi phối đến tư duy và hành vi mua sắm của không ít người dân Việt Nam.
“Hiện có nhiều người còn thông thạo các sản phẩm từ hai thương hiệu này hơn là chuỗi tên các siêu thị tồn tại hàng chục năm tại Việt Nam”, ông Thanh nói. Lý do, theo ông Thanh, họ đi trước Việt Nam rất nhiều về thương mại điện tử, hàng hóa luôn cập nhật hàng ngày, hàng giờ.
Chia sẻ với VnExpress, ông Vũ Vinh Phú cho biết, sự xuất hiện của kênh thương mại văn minh cách đây 20 năm bao gồm các siêu thị, trung tâm thương mại tại cá đô thị lớn đã đem lại một bộ mặt mới cho thương mại bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay, phương thức bán hàng qua mạng thông qua các trang web và sàn giao dịch điện tử đã chứng minh một điều người tiêu dùng cần nhiều tiện ích mới hơn là trải nghiệm tận các siêu thị, cửa hàng. Vị này cũng băn khoăn nếu ngành bán lẻ không thay đổi tư duy và nhìn nhận đúng hơn về kênh bán hàng online thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh thu trong tương lai.
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu chú trọng kênh bán hàng trực tuyến, nhưng thiếu kinh nghiệm, hạn chế về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nên khi sản phẩm lên web vẫn chưa thực sự tạo được lòng tin của người tiêu dùng cho dù họ là khách hàng lâu năm. Tuy nhiên, thông qua sàn giao dịch điện tử như một kênh trung gian giới thiệu các mặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp đến người mua đã, đang giúp không ít đơn vị bán lẻ tiếp cận gần hơn với thương mại điện tử.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Tổng giám đốc sàn Disieuthi.vn, để tạo sự công bằng về mặt giá thành, sàn phân chia các mức chiết khấu với các đối tác cụ thể . Ngoài ra, với mô hình này, các đối tác sẽ có ngay một hệ thống bán lẻ trực tuyến sẵn có, giảm thiểu chi phí doanh nghiệp, do đó tăng lợi nhuận thúc đẩy sự phát triển của thị trường nội địa.
Về góc độ cạnh tranh giá, ông Phú cho biết, trong cơ chế thị trường không thể nào bán cùng giá được. Việc lên sàn giao dịch thương mại điện tử của các đơn vị bán lẻ chính là sự minh bạch về giá. Ngoài việc góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất, phục vụ tiêu dùng xã hội văn minh hơn, theo đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không ít đơn vị hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn mua bán hàng hóa mang tính chất thu lợi nhuận đơn thuần, lừa dối khách hàng về mẫu mã, giá cả, chất lượng làm thiệt hại người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín đối với các doanh nghiệp bán hàng qua mạng chân chính.
Do đó, không chỉ làm thay đổi tâm lý người mua sắm, các doanh nghiệp bán lẻ muốn tham gia lĩnh vực thương mại điện tử thành công nên lưu ý lựa chọn đúng ngành hàng, có chính sách giá, dịch vụ thuận tiện và tạo điều kiện cho người tiêu dùng được trải nghiệm trên web sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ trong nước phát triển thời gian tới.
Thành Tâm