Đề xuất ‘xã hội hóa’ xử lý nợ xấu

Kiến nghị này đưa ra tại hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Khơi thông nguồn vốn cho phát triển kinh tế Việt Nam” được tổ chức ngày 23/12 bởi Viện Ngân hàng Tài chính thuộc Đại học Kinh tế quốc dân.

Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia đều đồng tình, nợ xấu vẫn là trở lực lớn nhất lớn nhất đối với việc khơi thông dòng tín dụng cũng như khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Do vậy, câu chuyện dọn dẹp tiếp tục được bàn thảo như là giải pháp khơi thông tốt nhất.

Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Văn Nam tin rằng, giải pháp xử lý nợ xấu thông qua trái phiếu Chính phủ không những khả thi mà còn đáp ứng yêu cầu không ảnh hưởng đến ngân sách và không tạo ra gánh nặng nợ xấu lên công chúng. “Hình thức này còn tạo điều kiện cho việc xã hội hóa xử nợ xấu, bởi tất cả tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia”, GS Nam đánh giá.

TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Tài chính ngân hàng mô tả quá trình này qua ba bước: Thứ nhất, doanh nghiệp có nợ xấu phát hành Phiếu nợ chuyển đổi với giá trị tương ứng khoản nợ, cả gốc lẫn lãi có thời hạn. Số phiếu nợ này sẽ được giao cho Nhà nước hoặc cơ quan được ủy quyền như Công ty VAMC nắm giữ vừa làm cơ sở đối ứng cũng để ràng buộc trách nhiệm trả nợ của doanh nghiệp sau khi phục hồi sản xuất kinh doanh. Một phần phiếu nợ có thể được trả cho các ngân hàng thương mại nếu được chấp nhận thay thế trực tiếp cho trả món nợ xấu.

Bước hai, Chính phủ phát hành trái phiếu với khối lượng tương đương, giao cho Ngân hàng Nhà nước hoặc VAMC quản lý và thực hiện thanh toán nợ xấu cho các ngân hàng thương mại thay cho việc trả nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khi đó không còn nợ xấu và được vay mới.

Bước ba, các ngân hàng nhận được trái phiếu hoặc chấp nhận phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp coi như đã nhận được “khoản tiền” thanh toán nợ xấu. Trên cơ sở đó, ngân hàng có phương án hỗ trợ để giúp daonh nghiệp phục hồi sản xuất.

ha-lai-suat-vay-dai-han-con-ch-5886-2855

Nợ xấu đang cản trở dòng vốn chảy vào sản xuất.

Kiến nghị này đã nhận được sự chú ý và tranh luận tại hội thảo, bởi trong bối cảnh mà VAMC vẫn chưa bán được khoản nợ nào thì nhiều chuyên gia coi đây là mô hình cần nghiên cứu hoàn thiện để thí điểm.

TS Trần Thị Tú Anh đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội nghi ngờ liệu phương pháp này sẽ khó giải quyết triệt để nợ xấu mà chỉ là cách để “làm đẹp bảng kế toán của doanh nghiệ lẫn ngân hàng?”. Trong khi đó, GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế lo ngại việc phát hành trái phiếu trong điều kiện nợ công cao sẽ khó khả thi.

TS Đặng Ngọc Đức khẳng định, ưu điểm của cách làm trên là đưa nợ vào khoản xác định phải trả trong tương lai, trong khi vẫn ràng buộc doanh nghiệp trách nhiệm trả lãi trái phiếu hàng năm. “Đến kỳ hạn thanh toán gốc, doanh buộc buộc phải mua lại nếu như không muốn chia sẻ quyền sở hữu cho người nắm giữ trái phiếu chuyển đổi”, ông Đức phân tích.

Vị này nhấn mạnh, đối với nền kinh tế, phương cách trên sẽ không phải phát hành tiền vào lưu thông, nên không gây ra áp lực lạm phát. Dòng tiền từ xử lý nợ xấu được đưa vào lưu thông phù hợp nhu cầu sử dụng vốn của nền kinh tế thông qua lượng trái phiếu được các ngân hàng thương mại bán ra hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước hoặc kho bạc.

Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, họ sẽ được giải chấp tài sản đảm bảo đang đông kẹt ở ngân hàng để đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, giải pháp này sẽ khiến ngân hàng được thanh toán số tiền nợ xấu bằng trái phiếu, thay vì phải mua qua đấu thầu. Đồng thời, so với việc bán nợ xấu cho VAMC thì hệ thống tín dụng được chủ động hơn về dòng tiền cả về quy mô và thời điểm sử dụng lẫn lợi thế tài chính vì trái phiếu chính phủ vẫn được trả lãi. Không những vậy, ngân hàng giảm được khoản trích lập dự phòng rủi ro nếu bán nợ xấu cho VAMC.

Tuy nhiên, cách làm này cũng gây nên lo ngại trước kịch bản doanh nghiệp phát hành phiếu nợ chuyển đổi tiếp tục khó khăn, thậm chí phá sản.

Ông Đức thừa nhận, kịch bản doanh nghiệp tiếp tục yếu kém hay phá sản là rủi ro lớn nhất của giải pháp này. “Song cũng cần thống nhất rằng sự yếu kém của hệ thống tài chính và doanh nghiệp cũng là lý do phải tái cơ cấu nền kinh tế và các doanh nghiệp Nhà nước. Dù xử lý nợ xấu qua phát hành trái phiếu hay không thì nền kinh tế vẫn phải được tái cơ cấu và chấp nhận sự trả giá để ổn định và phát triển”, TS Đức lý giải.

Tương tự, chuyên gia này cũng “đặt điều kiện” phát hành trái phiếu tương quan với kịch bản sử dụng nợ công có hiệu quả. “Tức là một đơn vị tiền nợ công sẽ tạo ra hơn một đơn vị tăng của GDP thì trần nợ công không những không tăng mà có thể giảm bởi tốc độ tăng trưởng GDP khi đó sẽ đi nhanh hơn tốc độ tăng nợ công”, ông lập luận.

Dù vẫn còn những lo ngại, song các chuyên gia cho rằng đây là một giải pháp mới rất đáng chú ý trong điều kiện của Việt Nam, vì vậy cần phát triển để có thể áp dụng, bổ trợ thêm để quá trình xử lý nợ xấu đượ trực tiếp cũng như mang tính thị trường hơn.

Trung Đức

Trả lời

0913.756.339