Đề xuất quy hoạch “cắt lớp” – phát triển bền vững đô thị TPHCM

Để phát triển đô thị bền vững, TPHCM cần xây dựng thêm các khu nhà cho người lao động. Ảnh: VGP/Phan Hoàng

Nhiều bất cập trong quá trình đô thị hóa

Những năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về KTXH, TPHCM đã có bước đột phá trong công tác quy hoạch đô thị với những công trình giao thông, kiến trúc hiện đại.

Nhiều công trình đô thị quy mô lớn như: Nam Sài Gòn, các cao ốc khu trung tâm, công trình cải tạo lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè, đại lộ Đông Tây, khu công nghiệp Tân Tạo, khu đô thị Thủ Thiêm, các cây cầu vượt sông Sài Gòn… đã tác động tích cực, đưa TPHCM vào hàng các đô thị năng động bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự phát triển quá “nóng” về xây dựng cũng đã để lại cho TP một số hệ lụy, phá vỡ quy hoạch chung và cảnh quan đô thị như: Tình trạng ngập lụt đang ngày càng nghiêm trọng; ùn tắc giao thông, mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thường xảy ra; vấn đề nước sạch chưa thực sự đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân… Đặc biệt, tình trạng xây dựng tự phát ở các quận, huyện ngoại thành TPHCM vẫn đang là vấn đề nhức nhối.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, hiện nay, TPHCM đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến quản lý đô thị mang đặc điểm “vùng đại đô thị” với quy mô 10-20 triệu dân. Đây cũng là vấn đề tất yếu của quá trình đô thị hóa ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Với nguồn lực kinh tế có hạn, người dân sẽ lựa chọn những khu vực có chi phí đất, xây dựng rẻ hơn để an cư lập nghiệp, dẫn đến việc hình thành các khu dân cư tự phát, ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng và phát triển đô thị.

Tại TPHCM, thời gian qua, mặc dù TP đã tập trung nguồn lực để hình thành nên các khu đô thị hiện đại với mong muốn người dân có cuộc sống tốt nhất, nhưng, trái với mong muốn, nhiều người lại quyết định lựa chọn sinh sống tại địa bàn các quận, huyện vùng ven (quận 12, Bình Tân, Tân Phú, huyện Bình Chánh…) cho dù điều kiện sống, cơ sở vật chất, hạ tầng ở những khu vực này vẫn chưa được đầu tư phát triển.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, giới chuyên gia cho rằng, không phải người dân không muốn sinh sống tại những khu đô thị đầy đủ tiện nghi, hiện đại. Nhưng, với mức thu nhập như hiện nay, phần lớn người lao động lựa chọn sinh sống tại những khu vực ngoại thành vì giá đất, chi phí xây dựng thấp hơn khá nhiều so với các khu đô thị được đầu tư, xây dựng tại trung tâm TP.

Thực tế cho thấy, việc nhiều người dân tập trung sinh sống tại các quận huyện vùng ven TPHCM đã dẫn đến sự gia tăng dân số tại khu vực. Cùng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đây là một trong những yếu tố khiến tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị chung của TPHCM.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch “cắt lớp”

Phát triển đô thị một cách bền vững, bài toán đặt ra là làm thế nào để cân đối nhu cầu, khả năng chi trả của người dân với mục tiêu phát triển lâu dài của TP.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, để giải quyết vấn đề này, một số quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ… đã quy hoạch những khu vực đô thị mà người dân được chủ động mua, bán đất và xây nhà theo khả năng của mình.

Cụ thể, ở những khu vực này, Nhà nước chỉ thực hiện quy hoạch ở mức tối thiểu như làm đường, làm hệ thống cống cấp, thoát nước, hệ thống phòng cháy, chữa cháy… để đảm bảo môi trường sống cơ bản cho người dân. Các chỉ tiêu quy hoạch khác như công viên, cây xanh và các tiện ích công cộng khác tạm gác lại.

Như vậy, giá đất ở các khu vực này sẽ rẻ và phù hợp hơn với khả năng chi trả của người lao động. Những khu vực này có thể coi là khu vực tự phát, nhưng Nhà nước có kiểm soát một phần.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cách xử lý vấn đề như trên không những hạn chế được tình trạng phát triển đô thị không đúng quy hoạch, mà còn đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ trước mắt cho người lao động nhập cư nói riêng và người lao động có thu nhập thấp ở TPHCM nói chung, bên cạnh những loại hình nhà ở giá rẻ khác như nhà ở xã hội…, qua đó từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Theo thời gian, khi KTXH phát triển, đời sống người dân dần được nâng lên, Nhà nước và người dân sẽ cùng cải tạo dần các điều kiện sống trong khu vực như xây dựng thêm công viên cây xanh, thêm trường học, bệnh viện… và sắp xếp chỉnh trang hoặc xây mới các khu nhà ở này.

Nếu cần, Nhà nước có thể đền bù và thu hồi thêm đất để xây dựng các tiện ích khác. Trong trường hợp này, Nhà nước cũng không phải tốn thêm nhiều tiền, vì những chỉ tiêu quy hoạch cơ bản nhất cũng đã được hình thành.

PGS.TS Nguyễn trọng Hòa cho biết, cách thực hiện quy hoạch như vậy được gọi là xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch “cắt lớp”. Đầu tiên là “lớp” cơ bản, bao gồm các hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng nhất. Sau đó, đến hạ tầng xã hội cùng các tiện ích khác.

Để giải quyết các vấn đề đô thị “nhức nhối”, qua đó phát triển đô thị một cách bền vững, TPHCM có thể học hỏi kinh nghiệm này.

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP cần xác định ngay các khu vực phát triển đô thị chưa đủ khả năng tài chính thực hiện, nghiên cứu cho phép người dân xây dựng nhà ở theo hướng Nhà nước có kiểm soát một phần (lưu ý các khu vực tập trung nhiều KCN, KCX); tiếp đó phân tầng quy hoạch từ cơ bản đến hoàn thiện để phân kỳ đầu tư sao cho phù hợp với kế hoạch phát triển KTXH chung của TP.

Với phương án quy hoạch này, bức tranh toàn cảnh đô thị TPHCM sẽ dần hoàn thiện, không những góp phần xóa bỏ các khu nhà trái phép, giải quyết có hiệu quả các vấn đề đô thị “bức xúc”, mà còn giúp số đông người lao động an cư lập nghiệp, đồng hành cùng với sự phát triển của TP.

Phan Hoàng (Chinhphu)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339