Đà Nẵng: Những dấu hỏi trong quản lý đất đai

Đỉnh đèo Hải Vân, 1 khu đất kinh doanh đã diễn ra tranh chấp hàng chục năm giữa 2 địa phương Huế và Đà Nẵng.

Để viện dẫn cho nghi vấn này, 1 cựu cán bộ, nguyên là thành viên quản lý quy hoạch đất đai tại Viện Quy hoạch Đà Nẵng đặt ngược lại 1 câu chuyện. Đó là tại sao trong 1 thời gian dài, rất nhiều hộ dân Đà Nẵng phải đi thuê nhà ở tạm để chờ được bố trí đất tái định cư, trong khi nguồn đất này đã có sẵn. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã buộc các ban quản lý dự án tái định cư phải soát xét lại để khẩn trương tái bố trí ngay đất cho dân, và buộc các cơ quan quản lý phải cùng nhau đánh giá vấn đề, chỉ ra những điểm sai phạm thuộc về ai.

“Nếu nói rằng trước đó, Đà Nẵng đã nghiêm túc trong công tác quản lý đất đai, triển khai các dự án đầu tư đều minh bạch rõ ràng, thì làm sao lại nảy sinh 1 sự việc như vậy được? Nếu đối chiếu lại những con số quản lý đất đai trên địa bàn Đà Nẵng lâu nay, người ta sẽ nhận ra, có rất nhiều vị trí sơ hở, lơi lỏng mà thành phố không kiểm soát hết được, mới dẫn đến tình trạng các ban quản lý tự ý mà làm càn như thế”, cán bộ này nhấn mạnh như vậy.

Thực tế này, trong nhiều năm, địa phương luôn không có số liệu thống kê chính xác về tình hình triển khai các dự án đầu tư bất động sản. Đà Nẵng từng có đến 14 ban quản lý dự án, giải tỏa đền bù… và mỗi ban quản lý lại có những con số quản lý đất đai riêng. Ngay lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng khi đề cập số diện tích đất quy hoạch của Đà Nẵng cũng phải thừa nhận, Sở chỉ nắm các dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước, còn quỹ đất do các ban quản lý, nhà đầu tư triển khai theo quy hoạch chung, thì… không rõ được.

Đó là chưa nói đến những biến động xê dịch đất đai giữa các dự án đầu tư bất động sản, do các chủ đầu tư sang nhượng, trao đổi cho nhau, 1 con số không hề nhỏ nhưng hầu như luôn trở thành những tỷ lệ định ước chung chung trong các báo cáo quy hoạch của các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng.

Phải chăng bởi tình trạng này, mà mới đây, dư luận “mới té ngửa” khi báo chí phát giác thông tin dự án sân vận động Chi Lăng đã được “xé lẻ” từ lâu từ tay các cổ đông tập đoàn Thiên Thanh, mà chính quyền thành phố Đà Nẵng hầu như không rà soát và quy trách nhiệm?

Tại Đà Nẵng, không mấy khó khăn để nhìn thấy những vùng đất quy hoạch bỏ trống mà không xác định được chủ đầu tư.

Một cử tri ở quận Liên Chiểu khi nhìn nhận sự việc dự án trên đèo Hải Vân đã bày tỏ: “Sự thật cơ quan quản lý đã biết dự án đó từ năm 2010. Vậy tại sao đến tận năm 2014, Đà Nẵng mới yêu cầu Trung ương xem lại vị trí hiểm yếu của dự án vì liên quan quốc phòng? Tại sao liên tục 3 năm liền, giữa 2 địa phương chỉ toàn là tranh luận về đất chồng lấn, Đà Nẵng khẳng định đất thuộc về mình còn Huế xác định của Huế? Phải chăng vì quyền lợi cục bộ, mà cả 2 bên đã lờ đi yếu tố quốc phòng, mãi đến khi bị vỡ lở quá lớn mới quay lại vấn đề chính?”.

Rõ ràng xâu chuỗi hàng loạt câu chuyện đất đai đang diễn ra tại Đà Nẵng, các cử tri nơi đây có thể đặt nặng câu hỏi, địa phương có thật quản lý đất đai chặt chẽ và nghiêm túc? Nếu vấn đề quản lý không bị thả lỏng, làm sao có chuyện 1 nhà đầu tư Trung Quốc có thể “mua” những vị trí đất dự án “không nên bán”, hay các dự án đầu tư khác cứ nằm ỳ mãi giữa trung tâm Đà Nẵng mà chẳng thể có động thái lay chuyển được?

Theo nhiều người nhìn nhận, quả thật đã đến lúc, Đà Nẵng cần mạnh dạn nhìn rõ lại tình hình, để tích cực hơn trong công tác rà soát, đánh giá lại tổng quỹ đất đầu tư quy hoạch trên địa bàn, chỉ rõ ra những khâu yếu kém lơi lỏng, tắc trách và sai sót trong quản lý đất đai lâu nay.

Đặc biệt với các dự án đầu tư bất động sản du lịch ở các vị trí then chốt, rừng đặc dụng, bán đảo Sơn Trà…, địa phương cần hết sức đề cao trách nhiệm để nhận định rõ nguy cơ suốt quá trình kiểm soát đất đai thiếu chặt chẽ vừa qua.

Nguyên Đức

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339