Đà Nẵng: Cải tạo hay bán đất mặt?

Việc đồng ý chủ trương cho phép người dân và các doanh nghiệp (DN) khai thác đất trước một ngày nghỉ hưu của ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đang được dư luận quan tâm. Theo người dân phản ánh, địa điểm các DN đua nhau khai thác đất tại làng Hòa Nhơn và Hòa Phước (xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang). Việc khai thác bất kể thời gian, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân sống trên tuyến quốc lộ ĐT604 và 14B bức xúc.

Ồ ạt bán đất mặt

Tại làng Hòa Phước (xã Hòa Phú) có hai vị trí khai thác. Một là đào đất đồi để cung cấp vật liệu san lấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Hai là đào đất ruộng để bán vật liệu sản xuất gạch men. Hai DN là Thịnh Quốc Phong và Thịnh Phú Lâm đã mang máy móc, xe tải đến xúc mang đi bán. Việc khai thác đất được ông Văn Hữu Chiến đồng ý chủ trương.

Cụ thể: Do đất đai ở đây cằn cỗi, đồi núi khó sản xuất, canh tác vì vậy người dân xin TP cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp. Ngày 26-12-2014, ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, có tờ trình gửi UBND TP Đà Nẵng xin cải tạo các khu đất trên và ông Chiến đồng ý chủ trương. Mục đích là cải tạo đất sản xuất của TP Đà Nẵng nhưng người dân và DN kéo máy móc lên đào núi, múc ruộng… bán đất mặt.

Đại diện Công ty Thịnh Quốc Phong cho biết đã ký hợp đồng bán vật liệu san nền cho dự án đường cao tốc trong bốn tháng gần 100.000 m3, giá 20.000 m3 là 1 tỉ đồng. Nhưng PV tìm hiểu thì việc khai thác này không phép, vì Sở TN&MT TP chưa tham mưu TP cấp phép cho DN này khai khoáng. Danh mục quản lý cũng không có tên DN Thịnh Quốc Phong. Tương tự, DN Thịnh Phú Lâm đang đào ruộng, bán vật liệu cho nhà máy gạch cũng vậy. Sở TN&MT cho rằng UBND huyện Hòa Vang trình TP cho các DN khai thác đất đem đi bán mà không tham mưu cho Sở là không đúng thẩm quyền.

Anh NgVTh (43 tuổi, xã Hòa Phú) bày tỏ: “Nói là cải tạo đất mà họ xúc đất đi bán chứ cải tạo chi. Dân chúng tôi bức xúc quá trời vì ô nhiễm”.

Dưới lá bài “cải tạo đất” các doanh nghiệp và người dân đã khai thác đất đem đi bán. Ảnh: LÊ PHI


Công văn chỉ đạo dừng khai thác của tân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Ảnh: LÊ PHI

“Anh Chiến ký đúng thẩm quyền”

Sáng 12-3, trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến ký các văn bản trên trong vòng 1-2 ngày trước khi về hưu là đúng thẩm quyền chủ tịch UBND TP.

“Việc UBND huyện Hòa Vang gửi thẳng tờ trình xin TP cho cải tạo đất không qua Sở TN&MT vẫn đúng quy trình. Còn sự việc khai thác đất của các DN trên là sai nên chúng tôi đã lập biên bản và cho dừng ngay. Các cấp sở tại như UBND xã Hòa Phú, UBND huyện Hòa Vang đã làm việc thiếu trách nhiệm. Thời gian tới, xét thấy các văn bản anh Chiến ban hành nếu không phù hợp có thể UBND TP sẽ thu hồi” – ông Thương khẳng định.

Cũng theo ông Thương, việc ông Chiến đồng ý chủ trương không đồng nghĩa là đã cấp phép. “Đúng ra sau khi thẩm định xong mới cho phép khai thác và ai được chọn để khai khác. Tuy nhiên, ngày 11-3, chúng tôi đi kiểm tra thì thấy các hộ ở đây làm không đúng quy định, tự khai thác trước khi được cấp phép. Tại hiện trường, chúng tôi đã lập biên bản một trường hợp và yêu cầu dừng khai thác” – ông Thương nói.

Theo ông Thương, việc ông Chiến đồng ý chủ trương là trên cơ sở kiến nghị của người dân và báo cáo, đề xuất của Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND huyện Hòa Vang chứ không phải là không có ai tham mưu. Ngoài ra, nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương cải tạo đất là tạo nguồn đất cung cấp cho dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi theo ý kiến của Bộ GTVT.

Ông Thương cung cấp một loạt các văn bản ông Chiến ký đồng ý chủ trương cho các hộ gia đình ở Hòa Phú, Hòa Phong… cải tạo đất và chuyển đổi từ đất lúa sang đất nuôi trồng thủy sản là sau khi có tờ trình của UBND huyện Hòa Vang, Sở Xây dựng, Sở TN&MT đề xuất.

Đình chỉ việc khai thác

Ngày 11-3-2015, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có công văn đình chỉ việc khai thác.

Công văn này yêu cầu giám đốc Sở TN&MT phối hợp với chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đình chỉ ngay hoạt động cải tạo mặt bằng đất đồi gò để sản xuất nông nghiệp, hoạt động cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất sét thừa cung cấp cho các nhà máy gạch. Yêu cầu giám đốc Sở TN&MT tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý các cá nhân trong các cơ quan quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm nêu trên.

Ngoài ra, ông Thơ yêu cầu Công an TP Đà Nẵng chỉ đạo công an các địa phương tăng cường kiểm tra việc khai thác, vận chuyển khoáng sản không đúng quy định; phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kể từ nay, chủ tịch UBND huyện Hòa Vang chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc trình các trường hợp cho phép cải tạo mặt bằng đất đồi gò, cải tạo đất nuôi trồng thủy sản, khai thác, vận chuyển khoáng sản không đảm bảo các tiêu chí theo đúng quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên khoáng sản, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Lê Phi (Pháp luật TP.HCM)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339