Cuộc chơi trong làng vận tải biển của ông chủ địa ốc Phát Đạt

Chia sẻ với VnExpress, ông Đạt cho biết: “Năm 2009, thị trường bất động sản bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu xấu và rơi vào khủng hoảng. Tôi nhận thấy thế trận này giằng co mất nhiều thời gian mới phục hồi nên đã âm thầm tìm cơ hội khác, đó là lĩnh vực vận tải biển”.

Vì không dùng vốn của Công ty Phát Đạt để mạo hiểm, ông Đạt huy động nguồn tài chính từ gia đình cộng thêm đi vay để đầu tư cho ngành mới. Nhưng “học phí” của ngành vận tải biển không hề rẻ. Từ năm 2009 đến năm 2013, Công ty cổ phần Thương mại Vận tải biển Trường Phát Lộc (TPL Shipping JSC) thua lỗ 100 tỷ đồng.

Khởi đầu, TPL Shipping JSC chỉ quản lý một tàu dầu/hóa chất DONG A STAR có trọng tải 8.386 tấn, chuyên vận tải dầu hoạt động trong khu vực nội địa Việt Nam và Đông Nam Á. Sau một vài năm hoạt động không như kỳ vọng, Ban giám đốc đã quyết định bán tàu DONG A STAR để chuyển sang đầu tư đội tàu hóa chất chuyên dụng mới. Loại tàu này có trọng tải lớn, hầm hàng thép không gỉ đặc trưng có thể chở hàng trăm loại hóa chất khác nhau trên các tuyến quốc tế.

Kể về 4 năm “nếm mật nằm gai” vừa học nghề tay trái vừa tái cấu trúc đội tàu này, ông Đạt giải thích, nguyên nhân thua lỗ là do Công ty mới vào nghề, kinh nghiệm quản trị chuyên ngành còn non yếu, chưa kiểm soát được thất thoát nhiên liệu, đơn hàng thưa thớt, khai thác tuyến chưa hiệu quả, doanh thu thấp. “Gian nan nhất là quá trình tìm khách hàng khi chưa ai biết đến tên tuổi của mình. Phải mất hơn 3 năm chúng tôi mới bắt đầu dần có lượng khách hàng ổn định”, ông Đạt nhớ lại.

Hàng hóa mà doanh nghiệp chuyên vận tải là khí hóa lỏng và hóa chất. Trong những năm đầu, Công ty chỉ chuyên chở tuyến từ Singapore về Việt Nam và một số khu vực Đông Nam Á nên chưa dám mua nhiều tàu, doanh thu còn rất hạn chế. Từ năm thứ tư trở đi, Trường Phát Lộc mới tìm đường mở các tuyến vận tải sang châu Á Thái Bình Dương và nhờ đó mới mạnh dạn mua tàu trọng tải lớn, tìm kiếm được nhiều hợp đồng dài hạn hơn.

a-tb-canh-bac-kinh-doanh-va-1-6584-14183

Tàu Everich 3 chuyên vận tải khí hóa lỏng và hóa chất của gia đình ông chủ Công ty địa ốc Phát Đạt. Ảnh: P.Đ

Năm 2014, doanh thu của TPL Shipping đạt 684 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng, cũng là năm đầu tiên ghi nhận lợi nhuận sau chặng đường 5 năm vượt chướng ngại vật. Năm 2015, ông Đạt còn táo bạo đặt mục tiêu lợi nhuận của TPL Shipping từ 400 đến 500 tỷ đồng.

Cở sở kỳ vọng cho tình hình kinh doanh năm tới là doanh nghiệp đã mua thêm 2 – 4  tàu trị giá khoảng 50 – 80 triệu USD, trong đó có một chiếc tàu mới nhất đã ký được hợp đồng vận tải ổn định trong 5 năm. “Nếu cách đây 3 năm tôi chán nản bỏ cuộc giữa chừng thì đã không có cơ hội nhìn thấy những tín hiệu sáng sủa của năm 2014 và không có dịp kỳ vọng cho năm 2015”, ông Đạt nói.

Trả lời câu hỏi của VnExpress về những rủi ro trong ngành vận tải biển như: thiên tai, cướp biển, tai nạn… có thể xảy ra bất cứ lúc nào ở ngoài khơi, ông Đạt thừa nhận đây là canh bạc không hề dễ dàng và đầy thách thức. Tuy nhiên, doanh nhân này giải thích không ngành nghề nào an toàn 100% cũng như không kênh đầu tư nào không có rủi ro. Để đề phòng những tình huống nguy hiểm trên biển, các đội tàu luôn chuẩn bị các biện pháp an ninh, bảo hiểm từ hàng hóa đến đội tàu và con người 100%.

Quyết tâm theo đuổi canh bạc mới đến cùng, vị CEO này nuôi tham vọng cùng doanh nghiệp nỗ lực chinh phục kết quả kinh doanh tốt trong 3 năm liền để lên kế hoạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) vào cuối năm 2016. Ông kỳ vọng có thể đưa doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu năm 2017 trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM. 

TPL Shipping JSC hiện sở hữu đội tàu mang tên EverRich gồm 6 chiếc với tổng trọng tải 130.000 tấn, trong đó có tàu EverRich 8 trọng tải lên đến 50.000 tấn, là tàu chở khí hóa lỏng (VLGC) có trọng tải lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Mặc dù ngành vận tải biển quốc tế đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, chưa kể rủi ro trên biển cũng không hề nhỏ, nhưng ông chủ địa ốc Phát Đạt vẫn nuôi mộng sẽ nâng đội tàu lên 15 chiếc với tổng trọng tải hơn 240.000 tấn tàu hóa chất và tổng dung tích gần 150.000 m3 khí hóa lỏng vào năm 2017.

“Giai đoạn khó khăn đã qua. Chúng tôi hướng đến mục tiêu gia nhập vào hàng ngũ những doanh nghiệp vận tải khí hóa lỏng, hóa chất quốc tế, cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong ngành ở sân chơi châu lục và thế giới”, ông Đạt cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đạt hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Phát Đạt. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hạ tầng và một số ngành dịch vụ khác trong đó địa ốc cao cấp chiếm tỷ trọng trên 70% doanh thu.

Các năm 2009-2013 thị trường bất động sản khủng hoảng, PDR gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, doanh thu của PDR đạt 39,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế chỉ có 3,8 tỷ đồng. Năm 2014 doanh thu dự kiến đạt 356,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng.

Báo cáo về tình hình vận tải biển của Cục Hàng hải Việt Nam tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải biển năm 2014, đến ngày 30/6, Việt Nam có khoảng 1.700 tàu với tổng trọng tải 6,9 triệu DWT và tổng dung tích là 4,3 triệu GT. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ có 9 tàu chở khí hóa lỏng. Đây là ngành chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh.

Vũ Lê

0913.756.339