Cuộc chơi mới mang tên Thông tư 36

Với quy định mới, doanh nghiệp nhà nước đã được cởi trói việc thoái vốn ở ngân hàng. Ảnh: Tuệ Doanh

Cuộc chơi thay đổi

Thông tư 36 tốt cho ngành ngân hàng và nền kinh tế. Nó giải quyết được những vấn đề khúc mắc nhất của ngành ngân hàng là sở hữu chồng chéo, là lách luật, là cho vay sân sau. Thông tư 36 còn nới cửa cho vay bất động sản, dù có ý kiến cho rằng điều này dung túng cho thị trường bất động sản, nhưng trên thực tế chuyện cho vay được hay không còn liên quan nhiều yếu tố khác.

Thời điểm ra đời Thông tư 36 tương đối thích hợp. Từ cách đây hai năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định đưa ra các chế tài tương tự như trong Thông tư 36 nhưng vướng nhiều rào cản. Nay, sau những yêu cầu và cả thương thuyết riêng giữa cơ quan quản lý với từng nhóm cổ đông lớn ngân hàng thì tinh thần buộc phải cải tổ cũng đã… thông hơn.

Các ngân hàng sẽ đáp ứng các yêu cầu của Thông tư 36 tới đâu?

“Tùy từng ngân hàng, anh khó anh dễ nhưng nhìn chung các ngân hàng sẽ đáp ứng được yêu cầu về các chỉ số an toàn. Chúng tôi đã cho chạy thử số liệu, kết quả cho ra tuy cần điều chỉnh một chút mới đáp ứng được Thông tư 36 nhưng không quá nhiều. Tuy nhiên, tôi chỉ là ngân hàng tầm trung, với các ngân hàng lớn sẽ khó xoay xở hơn”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nói.

Vị này cho biết một công việc khá mệt là điều chỉnh danh mục đầu tư, xử lý các khoản đầu tư qua lại trong ngân hàng. Danh mục cho vay cổ phiếu theo T+2, T+3 của các ngân hàng đều phải thu hẹp lại mà hành động đầu tiên là thôi không cho vay mới nữa. Điều này chắc chắn gây ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ta nên hiểu cơ quan quản lý tạo áp lực là tốt. Mục tiêu nào cũng có đánh đổi hy sinh. Thị trường chứng khoán sẽ có khó khăn, sẽ phải tìm thêm nguồn tiền mới và điều đó tạo cơ hội mới cho các dòng tiền.

Điều quan trọng nhất được quan tâm, là việc thoái vốn của các tổ chức tín dụng đang nắm lẫn nhau, tức gỡ các mắt xích của sở hữu chồng chéo. Một ngân hàng thương mại theo Thông tư 36 chỉ được sở hữu tối đa hai tổ chức tín dụng với tỷ lệ vốn không quá 5%. Số cổ phần dôi ra, ngân hàng buộc phải thoái trước thời hạn cuối 2015.

Ai bán? Ai mua?

Có hai dạng tổ chức tín dụng đang giữ cổ phần của nhau. Các ngân hàng đang nắm cổ phiếu lẻ của tổ chức tín dụng khác, loại này dễ bán, dễ tìm người mua hơn vì khối lượng nhỏ, đàm phán giá cả có thể linh hoạt và không phải báo cáo nhiều nơi.

Dạng thứ hai mới là mục tiêu chính của Thông tư 36: những khoản cổ phần lớn đang nằm trong tay các cổ đông lớn và người liên quan đến cổ đông lớn – các ông chủ ngân hàng.

Nguồn tiền nào có thể đổ vào mua cổ phần ngân hàng thoái ra?

Thứ nhất là nguồn từ chính các cổ đông ngân hàng, có những cổ đông vẫn có thể mua thêm cổ phần. Thứ hai là tiền gửi trong ngân hàng của người dân, doanh nghiệp. Thứ ba là tiền của nhà đầu tư nước ngoài. Ở thời điểm này, chỉ có hai nhóm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài muốn vào ngân hàng Việt Nam là đầu tư mạo hiểm và những ngân hàng châu Á muốn mở rộng quy mô bán lẻ trong khu vực. Các ngân hàng nước ngoài lớn trước đây muốn mua ngân hàng Việt Nam nhưng gần đây đã giảm nhiệt tình vì họ có những lựa chọn tốt hơn. Nguồn tiền cuối cùng là vốn vay ngân hàng. Không có quy định nào cấm dùng tiền gửi ngân hàng mua cổ phần của ngân hàng khác mà chỉ bị hạn chế về tỷ lệ, vẫn còn có những ngân hàng còn room.

Tất nhiên sẽ có nhiều thắc mắc: nếu bị Thông tư 36 “ép”, các ông chủ ngân hàng “thoái vốn giả vờ” thì sao? Tức là thay vì ông A nắm cổ phiếu giùm nay chuyển cho ông C, ông X không nằm trong danh sách người liên quan. Tổng giám đốc một ngân hàng phân tích: anh có thể thoái giả vờ nhưng muốn giả vờ anh vẫn phải tạo ra dòng tiền, mà tiền ở đây là rất nhiều, trăm tỉ, ngàn tỉ chứ không phải vài tỉ. Khi tạo dòng tiền thì sẽ có dấu vết của dòng tiền, nếu cần kiểm tra thì cơ quan chức năng vẫn kiểm tra được. Thậm chí nếu qua mặt cơ quan chức năng được thì rủi ro cũng rất cao. Khái niệm “người có liên quan” trong Thông tư 36 đã mở rộng nhiều so với trước đây, phải tìm đối tượng nằm ngoài vòng tròn liên quan đó để nhờ giữ cổ phần giúp.

Áp lực giá hay áp lực niềm tin?

Thời gian qua trên thị trường có tin đồn ông chủ này rao bán cổ phần ngân hàng này, giá này. Rồi họ bảo nhau: giá còn cao quá! Vậy nay giá có giảm không, hoặc giảm rồi có ai còn muốn mua? Không ai có thể trả lời câu hỏi này ngoài việc cứ thử rồi mới biết.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nói đại gia kinh doanh ngân hàng thì cũng có rủi ro như người thường. Bán cổ phần ngân hàng với giá rẻ là rủi ro phải chấp nhận. Chính sách cứ cố gắng bảo vệ người giàu, cho họ trì hoãn, trong khi đã đánh động, gây sức ép, tạo lộ trình để thoái vốn, thì thật là vô lý.

Cơ quan quản lý cũng đã tạo ra những cái van cuối cùng để giải quyết sở hữu chéo, đó là việc Ngân hàng Nhà nước, SCIC có thể mua lại cổ phần thoái từ ngân hàng thương mại. Nếu như trước đây các doanh nghiệp nhà nước phải bảo toàn vốn thì nay họ đã được thoái vốn dưới mệnh giá.

Nếu đến hạn chót, cuối năm 2015, mà các ngân hàng không thoái được cổ phần dôi dư thì có xảy ra việc gia hạn thực hiện Thông tư 36? Điều này đòi hỏi sự hy sinh rất nhiều về niềm tin chính sách và uy tín của cơ quan điều hành thị trường.

Hồng Phúc (TBKTSG)

Mọi thông tin bài vở hoặc ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: banbientap@cafeland.vn; Đường dây nóng: 0942.825.711.

Để lại một bình luận

0913.756.339